xộc xệch, đã biến thành thứ gì đó quý giá vô ngần, được hoài
nhớ bằng cả tấm lòng tha thiết.
Đến cuối tháng, người chủ cho thuê đến hỏi thăm tình hình
hai chiếc máy may. Hạn nộp đã qua mà tiền trả góp vẫn chưa
thấy. Cô chỉ cho anh ta xem hai chiếc Singer để chứng tỏ chúng
vẫn an toàn, và xin anh ta cho thư thư ít lâu. “Anh đừng lo, hai
người thợ có thể bồi thường cho anh gấp ba lần số tiền đó.
Nhưng nhà có việc gấp, nên họ vẫn bị kẹt dưới quê.”
Những cuộc lùng tìm kéo dài cả ngày trời hòng kiếm thợ mới
rốt cuộc chẳng đem lại kết quả gì. Thỉnh thoảng Maneck đi cùng
cô, và cô mừng có cậu bầu bạn. Nhờ cậu, những chuyến lang
thang buồn thảm cũng bớt khổ sở phần nào. Sung sướng vì
được cúp tiết, lẽ ra Maneck còn chăm đi hơn, nếu không phải
Dina dọa sẽ mách bố mẹ cậu. “Đừng gây thêm rắc rối cho dì,” cô
nói. “Có điều, nếu đến tuần sau mà vẫn chưa kiếm được hai thợ
may, dì sẽ phải đi vay tiền Nusswan để trả tiền thuê nhà.” Nghĩ
đến đó, cô rùng mình. “Dì sẽ lại phải nghe những thứ rác rưởi
của bác ấy – anh đã bảo em rồi, tái hôn đi, ương ngạnh lắm chỉ
tổ khổ đau nhiều.”
“Nếu dì muốn, cháu sẽ đi cùng dì.”
“Được thế thì tốt quá.”
Tối đến, họ viện đến tấm chăn để vẽ việc cho mình. Chồng
vải vụn đã teo tóp nhiều vì thiếu vải mới, buộc cô phải tìm đến
những mảnh mà trước nay cô vẫn né tránh, như thứ vải voan
mỏng tang, không thực phù hợp với thiết kế của cô. Hai dì cháu
khâu thành những cái túi nhỏ hình chữ nhật và nhồi vào đó
mẩu vụn của những thứ vải khác dày dặn hơn.
Đến khi vải voan hết nhẵn, tấm chăn cũng ngừng mở rộng.