Chuyện ức hiếp người mới đến xảy ra như cơm bữa. Chửi bới,
xô đẩy, dằn hắt trở thành việc thường ngày. Một cái cán thuổng
có thể thình lình nhô lên khỏi miệng mương và ngáng chân ai
đó. Từ các giàn giáo và nền đất cao, những bãi nước bọt bay rào
rào xuống như phân chim, có điều chuẩn xác hơn nhiều. Đến
giờ ăn, vô số cái khuỷu tay thốt nhiên trở nên vụng về liên tục
đánh đổ đĩa của họ, và vì theo quy định, không ai được chia
phần ăn thứ hai, nên đám ăn mày và dân vạ cư vỉa hè thường
xuyên phải bốc thức ăn dưới đất lên mà ăn. Đa phần bọn họ đã
quen với cảnh bới rác, nhưng món ra-gu rau củ lõng bõng nước
ngấm rất nhanh xuống mặt đất khô nỏ. Chỉ những thức khô
như bánh chapati hay những vụn rau là còn có thể cứu vãn.
Mọi lời kêu van của họ tới đốc công đều bị phớt lờ. Quan sát
từ phía trên cho thấy một quy trình vận hành kinh tế, trơn tru,
không cần thiết phải có sự can thiệp từ phía các cấp lãnh đạo.
Đến cuối tuần thứ nhất, Ishvar và Om có cảm giác họ đã sống
đến thiên thu trong cái địa ngục này. Họ hầu như không tài nào
thức dậy nổi khi còi báo sáng kêu. Như có bùa phép gây choáng
khiến trời đất quay cuồng xung quanh mỗi khi họ trở dậy. Họ
gắng gỏi tồn tại cho hết ngày, hai tai đầy những lời hăm dọa và
mạ lị của bọn giám thị và đám công nhân ăn lương. Họ ngủ gục
khi trời mới chập choạng tối, mơ màng trong tấm chăn xương
xẩu của nỗi kiệt quệ.
Một đêm nọ, xăng đan của hai bác cháu bị ăn trộm khi họ
đang ngủ. Họ không biết thủ phạm có phải là một trong số
những người ở chung lán với họ không. Họ đi chân đất đến kêu
ca với viên đốc công, với hi vọng ông ta sẽ phát cho họ đôi khác.
“Lẽ ra các người phải cẩn thận hơn mới phải,” viên đốc công
nói, đoạn khom lưng gài dây xăng đan của mình. “Làm sao tôi
có thể canh chừng giày dép cho tất cả mọi người được? Vả lại,