cụt chân, bệnh tật, và mất mặt mũi trên vỉa hè chẳng mấy chốc
đã thu hút không ít khán giả. Những người xem xôn xao không
hiểu có phải bệnh viện nào đó, do thiếu không gian, đã phải mở
một phòng khám ngoài trời hay không.
Dina và Maneck gặp Ông trùm đang uống trà trong nhà hàng
Vishram. “Nhìn đám người kia kìa,” ông nói vẻ ghê tởm. “Chúng
nghĩ đây là một gánh xiếc đấy.”
“Mà chẳng ai chịu bố thí lấy một xu nhỏ,” Dina nói.
“Cũng chả có gì lạ. Lòng thương hại chỉ có thể được bộc lộ
bằng từng liều nhỏ. Khi có quá nhiều ăn mày tập trung ở cùng
một chỗ, người đời sẽ xử sự thế này” – ông ta đưa hai nắm đấm
lên mắt, hệt như một cặp ống nhòm. “Đúng là một sô diễn quái
gở. Người ta quên mất rằng bản thân mình mong manh đến
mức nào, bất chấp những áo xống và giày dép và cặp táp họ
mang, rằng cái thế giới đói khát và tàn bạo này có thể lột truồng
họ, ném họ vào vị trí y hệt như đám ăn mày của tôi.”
Maneck nghiền ngẫm những lời lẽ khoa trương của Ông
trùm, nỗ lực của ông hòng che giấu nỗi đau đớn. Hà cớ gì loài
người phải xử sự như thế với cảm xúc của mình? Dù là khi giận
dữ hay yêu thương hay buồn đau, họ luôn cố đẩy một thứ khác
lên thế chỗ nó. Và lại còn có những kẻ luôn vờ như cảm xúc của
mình lớn lao cao cả hơn tất thảy những người khác. Một mối
khó chịu cỏn con được họ biến thành một cơn thịnh nộ nghiêng
trời lệch đất; còn những lúc chỉ một cái nhoẻn miệng hay một
tiếng cười khúc khích là đủ dùng, họ lại lăn ra cười như hóa dại.
Dù là trường hợp nào đi nữa, đó đều là thiếu thành thực.
“Ngoài ra,” Ông trùm nói, “sự thờ ơ của người đời mà hai
người đang được chứng kiến minh họa cho một điểm quan
trọng. Trong nghề này, cũng như các nghề khác, ba yếu tố có vai