hùng chinh phạt, như thể đám cưới đã được ấn định. Lời chúc
tụng tuôn trào từ mọi cái mồm, khiến Om phát ngượng. Lần
đầu tiên, Om không nghĩ ra nổi một câu đối đáp nào ra hồn, còn
bác cậu cười toe toét và gật gù liên tục.
Đối với những người đã biết đến bố cậu, dịp vui này có một ý
nghĩa đặc biệt. Họ rất mừng vì dòng dõi của một con người kiệt
xuất như Narayan, chàng thợ may gốc Chamaar đã dám thách
thức những đẳng cấp trên, sẽ không bị mai một. “Chúng tôi cầu
nguyện một ngày nào đó, con trai anh ấy sẽ trở lại,” họ nói, “và
lời cầu nguyện của chúng tôi đã được đáp ứng. Om phải tiếp tục
sự nghiệp của bố cậu ấy. Và các cháu nội cũng sẽ theo gót.”
Đối với đôi tai Ishvar, những nguyện vọng của cộng đồng ông
thật thiếu cân nhắc, và xúi giục số phận một cách hết sức bất
cẩn. Nỗi sợ hãi xuất phát từ hành động ngu xuẩn của Om với
chúa đất Dharamsi hôm qua vẫn còn bần bật trong mạch máu
ông. Ông bèn cắt lời những người đang chúc tụng. “Không có
chuyện về làng đâu. Chúng tôi có công việc rất tốt trên thành
phố. Tương lai của Omprakash rất xán lạn.”
Đám người Chamaar ôn lại những năm tháng Ishvar và em
trai ông rời làng lần đầu tiên để lên làm thợ học việc ở Hiệu may
Muza ar. Họ kể với Om rằng bố cậu là một thợ may tài giỏi bậc
nhất, còn Ashraf, ông thầy đầy kiêu hãnh, chỉ mỉm cười, gật gù
ra ý phải, tất cả đều là sự thật. “Cứ như có phép thần ấy,” họ nói.
“Narayan có thể đem đồ vứt đi của một lão địa chủ béo ị về và
dùng máy may sửa sang lại để vừa với chúng tôi như đồ mới
may. Anh ấy có thể biến những món giẻ rách của chúng tôi
thành quần áo xứng với một vị vua. Chúng tôi sẽ không bao giờ
còn gặp ai sánh bằng anh ấy nữa. Người đâu mà can đảm đến
thế, hào hiệp đến thế.”