xếp bên ngoài lều. Phía trong kê sẵn một loạt bàn làm việc phủ
tấm nhựa để làm bàn phẫu thuật.
Nhân viên y tế phụ trách khu trại nhăn mũi lại khi đến gần
đoàn xe chở rác. Mùi hôi thối lưu cữu của món hàng chúng
thường chuyên chở vẫn bám riết lấy chúng. Anh ta ra bảo với
đám cảnh sát: “Đợi mười phút nữa đã nhé, lúc đấy chúng tôi
mới uống trà xong. Mà mỗi lần chỉ đưa bốn người vào thôi – hai
đàn ông, hai phụ nữ.” Anh ta không muốn trong lều chứa quá số
lượng người mà các bác sĩ hiện có mặt có thể xử lý, kẻo sẽ khuấy
động tâm lý hoảng sợ hơn nữa.
“Chả ai mời bọn ta uống trà triếc gì sất,” đám cảnh sát càu
nhàu với nhau. “Lại còn cái thứ nhạc ngu xuẩn này nữa. Có mỗi
mấy bài mà cứ nhai đi nhai lại mãi.”
Nửa tiếng sau, họ được lệnh xúc tiến. Bốn người được chọn ra
từ xe tải gần nhất, bị lôi đi xềnh xệch trong tiếng gào thét đến
hai ngôi lều chính và bị ép nằm lên bàn làm việc. “Đừng chống
cự nữa,” bác sĩ nói. “Dao mà đi trượt thì chỉ thiệt thân các người
thôi.” Lời cảnh báo khiến họ sợ bở vía, đành chỉ im lặng phục
tùng.
Đội cảnh sát theo dõi hai chiếc lều rất cẩn thận, cố gắng duy
trì nguồn cung ổn định theo yêu cầu. Nhưng mấy tay cảnh sát
không biết đọc thường xuyên bị nhầm lẫn, họ giải phụ nữ sang
lều phẫu thuật cắt ống dẫn tinh. Âu cũng là điều dễ hiểu: ngoại
trừ tấm biển viết tay, cả hai lều đều giống nhau hền hệt, và các
nhân viên y tế mặc áo choàng trắng nom chả khác gì nhau.
“Đàn ông sang lều trái, phụ nữ sang lều phải,” các bác sĩ
không ngừng nhắc nhở. Nỗi cáu bẳn của họ chồng chất thêm
bởi ngờ rằng có lẽ đó là một trò đùa ngớ ngẩn có chủ đích của
đám cảnh sát. Rốt cuộc, một viên trợ lý y tế bèn ra tay chỉnh sửa