khăng khăng đòi quay trở lại đây và kiếm một cô vợ cho cháu.
Lẽ ra chúng ta đã được an toàn trên thành phố, trong hành lang
nhà cô Dina.”
Mắt Ishvar giàn giụa nước. “Thế ra mày bảo chúng ta nên ru
rú trong cái hành lang đấy cho đến hết đời phải không? Đây là
cuộc đời kiểu gì, đất nước kiểu gì thế, mà sao chúng ta không
thể đến rồi đi theo ý mình được? Chả lẽ tao về thăm nơi chôn
rau cắt rốn cũng là tội à? Cưới vợ cho cháu tao cũng là tội à?”
Không thể bước thêm được nữa, ông ngồi thụp xuống vỉa hè,
run lẩy bẩy.
“Thôi nào,” Om rít lên, “đừng có diễn trò giữa phố nữa, trông
chẳng ra sao cả.”
Nhưng bác cậu vẫn khóc nức nở, Om bèn ngồi xuống bên
cạnh ông. “Dào, cháu không có ý đấy đâu, không phải lỗi của
bác mà, đừng khóc nữa.”
“Cơn đau,” Ishvar rúm ró. “Nó lan khắp nơi… đau lắm… bác
không biết phải làm sao.”
“Ta về nhà thôi,” Om nhẹ nhàng nói. “Để cháu đỡ bác. Bác
phải gác chân lên mà nằm nghỉ.”
Họ gượng dậy và, với Ishvar bước tập tễnh, lê lết, run rẩy vì
đau, hai bác cháu về tới cửa hiệu của ông trẻ Ashraf. Họ nhất trí
là một giấc ngủ ngon sẽ chữa lành cơn đau của ông. Om bày
đệm và gối sao cho bác mình nằm thật thoải mái, rồi mát xa
chân ông. Hai bác cháu cùng lăn ra ngủ, bàn chân Ishvar còn
nằm trong tay cháu ông.
Một tuần sau, chân Ishvar đã sưng bằng cái cột. Toàn thân
ông sốt hầm hập. Phần thịt từ bẹn xuống đầu gối đã đen sạm lại.
Họ quay trở lại Trung tâm kế hoạch hóa gia đình và rụt rè đứng