Maneck im lặng lắng nghe. Không một ngày nào trôi qua
trong suốt cái án lưu đày dài dằng dặc kia mà anh không nghĩ
đến ngôi nhà và cha mẹ mình. Ở Dubai, anh cảm thấy như mình
đã mắc kẹt. Mắc kẹt, anh nghĩ thầm, cũng hệt như người phụ nữ
trẻ anh đã gặp trong một lần nhận nhiệm vụ bảo dưỡng tại gia
để sửa một cái tủ lạnh. Cô đã tới vùng Vịnh làm giúp việc vì
khoản thù lao hứa hẹn có vẻ rất hời.
“Sao thế, Maneck?” Bà Kohlah van vỉ. “Chẳng lẽ con không
muốn sống ở đây, giữa vùng đồi núi nữa ư, có phải thế không?
Con thấy nơi này buồn tẻ quá hay sao?”
“Không, đẹp lắm mẹ ạ,” anh nói, đoạn lơ đễnh vỗ nhẹ lên tay
bà. Anh không thể thôi băn khoăn về số phận cô giúp việc nọ.
Phải lao động quá sức, liên tục bị bọn đàn ông con trai trong
nhà sàm sỡ quấy rối, bị nhốt trong phòng khi đêm xuống, hộ
chiếu bị tịch thu, cô đã van xin anh cứu giúp, nói bằng tiếng
Hindi để chủ cô không hiểu được. Nhưng cô đã bị gọi xuống bếp
trước khi Maneck kịp nói gì. Biết khó lòng can thiệp, tất cả
những gì anh đã làm là gọi một cuộc nặc danh đến Lãnh sự
quán Ấn Độ.
Anh thật quá may mắn, nếu so với cô gái khốn khổ kia, anh
nghĩ. Vậy thì cớ sao anh lại có cảm giác bất lực hệt như cô, ngay
cả khi đã ở nơi đây, trong chính nhà mình?
Và giờ, khi thấy mẹ khóc, anh ước sao mình có câu trả lời cho
những câu hỏi của bà. Nhưng anh không tài nào giải thích nổi,
dù cho bà hay cho chính mình. Tất cả những gì anh có thể viện
ra chỉ là những lý do cũ rích, sáo mòn: nghề nghiệp yêu cầu gắt
gao, áp lực công việc, thiếu thốn thời gian, một chuỗi lặp lại của
những từ ngữ rỗng tuếch mà anh vẫn ghi bừa vào lá thư gửi cho
mẹ hàng năm.