“Con thân yêu, con chẳng cướp gì của thím hết. Lương hưu
của chú Darab đủ cho cả hai chúng ta chi dùng. Đằng nào thím
cũng định nghỉ may rồi mà. Việc nặng quá, thím không kham
nổi. Đây, đừng quên mẫu may mới này nhé!”
Ngoài các đơn hàng, thím Shirin cũng cung cấp thêm những
thông tin ngoài lề về các khách hàng để giúp Dina dễ bề làm ăn
với họ. “Nhà Munshi là dễ chịu nhất, luôn luôn trả tiền đúng
hạn. Cả nhà Parekh cũng vậy, có điều họ thường hay mặc cả mặc
lẽ. Con phải kiên quyết vào, cứ nói thím đã đặt giá cứng rồi. Ai
nữa nhỉ? Phải rồi, ông Savukshaw. Ông này phải cái tật rượu chè
be bét lắm. Cứ đến cuối tháng là bà vợ khốn khổ lại chẳng còn
đồng nào trong túi cả. Con nhớ bắt họ ứng tiền trước.”
Chuyện nhà Surtee lại khá kì khôi. Cứ khi nào hai vợ chồng có
chuyện cãi lộn, bà vợ lại đình công không thèm nấu cơm tối
nữa. Thay vào đó, bà ta lôi hết mấy bộ pyjama của ông chồng
cất trong tủ ra và châm lửa đốt, rồi gom hết tro cùng vụn than
lại đem dọn lên đĩa mời ông xơi khi ông đi làm về.
“Kết quả là,” thím Shirin nói, “con lại càng có nhiều việc để
làm. Cứ chừng hai, ba tháng một lần, làm lành với nhau xong,
bà Surtee sẽ đặt con một đơn hàng pyjama rất lớn. Nhưng con
phải vờ như không có chuyện gì; nếu không, bà ta sẽ cạch mặt
con ra ngay.”
Bộ sưu tập chân dung các gia đình của Dina dày lên thêm khi
thím Shirin tiếp tục mô tả cho cô nghe về vợ chồng Davar và
Kotwal, Mehta và Pavri, Vatcha và Seervai, và đưa họ vào danh
sách khách hàng. “Phải nghe hết những chuyện tủn mủn này
chắc con chán lắm,” bà nói. “Còn một điều nữa thôi, và cũng là
điều quan trọng nhất: Đừng bao giờ lấy số đo đồ lót cho các
khách nam. Cứ xin họ đồ mẫu để may theo. Nếu không được,
con nhớ chỉ được đo cho họ khi có mặt một người khác: vợ hoặc