ám, đầy mưa gió.
Anh ngồi xuống một chiếc ghế kê bên cửa sổ và mở những
trang giấy bụi bặm, ố vàng của số báo đầu tiên trong chồng. Báo
ra từ khoảng thời gian sau cuộc bầu cử hậu Tình trạng khẩn
cấp, khi đó thủ tướng thua cuộc trước liên minh đối lập. Có
nhiều bài báo về những vụ bạo hành trong thời gian áp dụng
Tình trạng khẩn cấp, lời chứng thực của những nạn nhân bị tra
tấn, tâm lý phẫn nộ trước vô số cái chết trong thời gian bị cảnh
sát bắt giữ. Các bài xã luận đã bị bịt miệng dưới thời trị vì của
bà, kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những việc
làm sai trái và trừng phạt kẻ có tội.
Mất kiên nhẫn với những bài phóng sự lặp đi lặp lại, anh bỏ
sang số báo khác. Thái độ lúng túng của chính phủ mới trong
việc xử lý nguyên thủ tướng cũng không kích thích nổi niềm
ham đọc, trừ một bài báo có dẫn lời một thành viên nội các
rằng: “Bà ta phải bị trừng trị, bà ta là một mụ đàn bà đáng sợ,
xấu xa không khác gì Cleopatra.” Và quyết định duy nhất nhận
được sự đồng lòng nhất trí từ cái chính phủ tê liệt này là cấm
cửa Coca-Cola khỏi đất nước, vì tội từ chối nhượng lại công thức
bí mật và quyền lợi quản lý của mình; bằng một chút xoắn vặn
và nắn bóp, hành động đó đã phù hợp với mọi hệ tư tưởng trong
hàng ngũ liên minh.
Chỉ mấy số báo sau, đã thấy liên minh tan rã sau những cuộc
gấu ó liên miên và một cuộc bầu cử mới được tổ chức. Nguyên
thủ tướng đường hoàng gỡ bỏ tiền tố “nguyên” trong danh vị
của mình và trở lại nắm quyền. Các bài xã luận nay lại kiềm chế
những lời lẽ chống lại bà, đổi sang tông giọng đầy xu nịnh gợi
nhớ lại thời Tình trạng khẩn cấp. Một tay nhà báo hèn hạ còn
viết: “Liệu thủ tướng có đủ sức hồi sinh chí ít một phần của
những vị thần trong con người bà chăng? Không còn nghi ngờ