quyết định chọn bước đi này, để giải thoát cho bố mẹ khỏi nỗi
nhục nhã khi có ba đứa con gái không chồng. Họ xin bố mẹ hãy
tha thứ cho hành động sẽ khiến hai người đau đớn; nhưng họ
không thấy còn lối thoát nào khác.
Tấm ảnh kéo ánh nhìn của Maneck trở lại với nó, với sự việc
đồng thời vừa đáng lo, đáng thương, lại vừa đáng giận trong
chính cái tĩnh lặng trong vắt của nó. Ba chị em trông thật tuyệt
vọng, anh nghĩ, như thể họ đã mong chờ một điều gì đó khác
ngoài việc treo cổ, một thứ gì hơn là cái chết, để rồi nhận ra cái
chết là lựa chọn duy nhất còn lại trong tay. Anh bỗng nhận ra
mình đang ngưỡng mộ lòng can đảm của họ. Phải mạnh mẽ đến
nhường nào, anh nghĩ, mới có thể cởi những tấm sari kia khỏi
thân thể mình, mới có thể buộc thành chiếc thòng lọng tròng
quanh cổ mình. Hoặc có lẽ việc đó đã rất dễ dàng, một khi hành
động đã mang vẻ đẹp của lô gích và sức nặng của lẽ phải.
Anh giằng mắt mình khỏi tấm ảnh để đọc nốt bài báo. Phóng
viên đã gặp cha mẹ họ; anh ta viết rằng họ đã chịu đựng nhiều
hơn khẩu phần đau khổ dành cho mình – trong Tình trạng
khẩn cấp, họ đã mất đứa con cả trong hoàn cảnh không bao giờ
được lý giải thỏa đáng. Cảnh sát khẳng định đó là một tai nạn
đường sắt, nhưng hai ông bà có kể về những vết thương họ đã
thấy trên thi thể con trai mình trong nhà xác. Theo phóng viên,
các vết thương nói trên khớp với những vụ tra tấn khác đã được
xác nhận. “Thêm nữa, xét trong bối cảnh chính trị dưới Tình
trạng khẩn cấp, và thực tế là con trai họ, anh Avinash, là thành
viên tích cực trong Hội sinh viên, đây có vẻ như lại là một cái
chết mờ ám nữa trong thời gian giam giữ của cảnh sát.”
Bài báo chuyển sang bình luận về cuộc điều tra của ủy ban
quốc hội đối với những hành vi vượt quyền trong thời Tình
trạng khẩn cấp, nhưng Maneck đã ngừng đọc.