“Phải rồi,” Maneck nói. “Đã vậy, tôi không nên làm phí thì giờ
của ngài nữa. Còn có hàng ngàn chúng sinh đang chờ ngoài kia.”
“Chúc anh sớm tìm thấy hạnh phúc của sự viên mãn,” Đức
Thánh Tóc nói, đoạn giơ một tay lên trong một cử chỉ tiễn biệt
thần thánh. Mắt ngài vẫn còn sục sôi giận dữ.
Maneck quyết định sáng mai sẽ đến một lần nữa, dẫn Om và
chú Ishvar theo, đến tận tối mai anh mới phải ra sân bay. Chọc
ngoáy cung cách khoa trương kênh kiệu của Đức Thánh Tóc sẽ
là một trò đùa cực kì, cứ gọi là tha hồ mà vui. Phải kéo đức ngài
xuống một, hai nấc, bắt ngài nhớ đến thuở hàn vi mới được.
Lối dẫn ra ngoài mở ra ở lưng lều, đi qua một người đàn ông
đang ngồi viết trước một cái bàn vẹo vọ trên mặt chất đầy thư
từ và phong bì. Maneck trân mắt nhìn, cố nhớ xem họ đã gặp
nhau ở đâu. Rồi anh nhìn thấy chiếc hộp nhựa cất trong túi áo
sơ mi của ông ta, cùng đội quân bút mực và bút bi của nó. Ký ức
vụt quay lại với anh – chuyến tàu, người hành khách có giọng
nói khàn đặc.
“Xin lỗi chú, chú chính là người sửa bản in, phải không ạ?”
“Ngày xưa thôi,” ông ta đáp. “Vasantrao Valmik, xin sẵn sàng
phục vụ cậu.”
“Chú không nhận ra cháu vì cháu đã để râu, nhưng cháu là
cậu sinh viên ngồi trên cùng chuyến tàu với chú, cách đây rất
nhiều năm rồi, khi chú đi tìm phòng khám chuyên để chữa
bệnh họng.”
“Cậu không cần nhắc nữa,” ngài Valmik nói, miệng nở nụ
cười hoan hỉ. “Tôi nhớ rõ lắm, tôi chưa bao giờ quên cậu. Chúng
ta đã nói chuyện rất nhiều trên chuyến đi đó, phải không.” Ông
cười khà khà, và vặn nắp chiếc bút mực của mình. “Cậu biết đấy,
phải hiếm hoi lắm mới tìm được một khán giả tận tâm cho câu