tiếng chủ nhà đôi co với người làm, dường như tất cả những âm
thanh đó cũng giống một kiểu ngồi lê đôi mách. Và cô nhận ra
rằng tiếng động phát ra từ chính căn hộ của mình cũng sẽ rót
vào tai hàng xóm câu chuyện về cuộc sống của cô, nếu họ chịu
lắng nghe. Chẳng có cái gì gọi là riêng tư tuyệt đối cả, cuộc sống
là một tấn tuồng bất tận với những khán giả bất đắc dĩ.
Đôi khi, thú vui đi xem hòa nhạc miễn phí của ngày xưa vẫn
khiến cô tiếc nhớ, nhưng cô lại ngại ngần không muốn quay lại
với nó. Bất cứ thứ gì mang màu sắc của một sự bấu víu vào
những ngày quá vãng đều khiến cô cảnh giác. Con đường dẫn
đến tự chủ có khi nào đi qua quá khứ?
Dần dà, khi công việc may đo đã trở thành một thói quen dễ
chịu đối với Dina, thím Shirin bắt đầu dạy cô đan áo len.
“Thường không có mấy đơn đặt may đồ len,” bà nói, “nhưng
vẫn có người đặt để mặc làm dáng, hoặc mua nhân dịp đi chơi
núi vào ngày nghỉ.” Khi hai thím cháu học đến những kiểu mẫu
phức tạp, thím Shirin cho cô xem cả bộ sưu tập sách mẫu thiết
kế và kim đan của mình.
Cuối cùng, bà hướng dẫn Dina môn thêu thùa với một lời
cảnh báo: “Khăn ăn và khăn phủ bàn trà thêu tay rất được
chuộng, mà công xá cũng hời nữa. Nhưng làm việc này hại mắt
ghê lắm. Đừng tham làm, kẻo đến sau bốn mươi tuổi con sẽ phải
lãnh hậu quả đấy!”
Khi thím Shirin qua đời ba năm sau đó, rồi chú Darab cũng đi
theo vợ sau vài tháng, Dina đã vững tin mình có thể tự xoay xở
được. Cô cũng cảm thấy rất cô quạnh, như thể mình vừa mất đi
những người cha mẹ thứ hai vậy.
Trái với khẳng định của Nusswan rằng không một ai có thể
trách cứ anh ta về sự ra đi của Dina, họ hàng nhanh chóng chia