Chúng ta có quyền thách thức các chính sách trong quá trình
hoạch định chính sách, nhưng chúng ta không có quyền phá hoại
chúng trong giai đoạn thực hiện. Trong giới chính trị, chúng ta
thường nghe nói đến việc rò rỉ thông tin cho các phương tiện thông
tin đại chúng nhằm ngăn chặn một chính sách do cấp trên đặt ra,
hoặc chuyển sang ủng hộ các chính sách mà một nhóm nhỏ ưu ái.
Những người cố ý phá hoại những nỗ lực của nhà lãnh đạo thì không
còn là người hỗ trợ, đi theo nhà lãnh đạo nữa, mà sẽ trở thành đối
thủ của họ.
Mỗi người chúng ta đều có quyền trở thành một đối thủ.
Nhưng nếu chúng ta lén lút làm như vậy mà không tuyên bố sự
đối địch của mình, vẫn giữ vị trí và thái độ của một người đi theo, thì
chúng ta sẽ tạo ra sự tàn phá trong tổ chức. Chúng ta làm xói mòn
lòng tin, tạo ra một tình trạng đối nghịch với tâm lý nhóm. Chúng ta
tạo ra các phe phái và chiến tranh nội bộ có thể đe dọa khiến nhóm
tê liệt hoặc rạn nứt và làm suy yếu mục đích chung.
Nếu tuân thủ một cách quá mù quáng, chúng ta sẽ góp phần
làm cho tâm lý nhóm thêm mù quáng. Nếu hoàn toàn không thể
làm theo, thì chúng ta sẽ đóng góp vào tình trạng hỗn loạn. Nếu một
tổ chức đầy rẫy những rò rỉ thông tin và các hành vi ngầm phá hoại
các chính sách của nhà lãnh đạo từ trong nội bộ, thì một người thừa
hành can đảm cần tìm kiếm những lý do ngầm ẩn:
• Liệu có phải quá trình hoạch định chính sách không thân thiện
với các thông tin đầu vào trung thực và đa dạng, nên nó khuyến
khích các thành viên bất mãn phá vỡ quá trình này?
• Liệu có phải văn hóa tổ chức thiếu sự tôn trọng cần có cho quá
trình hoạch định chính sách và có khuynh hướng vô hiệu hóa các kết
quả của nó không?