động khác và nên chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lãnh đạo để
hoàn toàn có thể theo đuổi mục đích mới. Hoặc có thể là những thách
thức can đảm sẽ đưa nhà lãnh đạo quay lại chú trọng vào việc mang
công sức của mình phục vụ mục đích chung.
CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO KHÔNG THÁCH
THỨC LÃNH ĐẠO CỦA HỌ
Một trong những vấn đề phổ biến và gây nhiều tranh cãi
nhất đối với những người thừa hành là: nhận thấy mình đang làm
việc cho một người, mà người đó nên thách thức lãnh đạo của chính
mình nhưng lại không làm như vậy. Nếu một nhà lãnh đạo có vị trí
cao hơn người thừa hành hai hay nhiều cấp tạo áp lực không thực
tế cho tổ chức, theo đuổi những mục tiêu không khả thi, bỏ qua
những cơ hội vàng để thúc đẩy sứ mệnh của tổ chức hoặc tham gia vào
các hoạt động không rõ ràng về đạo đức, thì một người thừa hành
can đảm sẽ phải làm gì?
Thông thường, trong tình huống này, những người thừa hành sẽ
đưa vấn đề ra với nhà lãnh đạo mà họ phải trực tiếp báo cáo. Thật
không may là, thường thì họ sẽ nhận được sự đảm bảo yếu ớt là nhà
lãnh đạo của họ sẽ “xem xét nó” hoặc “đưa nó ra cuộc họp sắp tới”.
Thông thường, nếu tiếp tục đề xuất, người thừa hành sẽ thấy
những cuộc trao đổi này không hề diễn ra hoặc bị gạt đi mà không có
bất kỳ mâu thuẫn hay giải pháp thực sự nào.
Điều này đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho một người
thừa hành can đảm: có nên tiếp tục theo đuổi hay không, và nếu
theo đuổi thì theo đuổi bằng cách nào? Gần như luôn có sự cấm kỵ
về văn hóa chống lại việc vượt qua một người cấp trên trực tiếp để
đưa một vấn đề lên thẳng cấp trên của người đó. Với một người
thừa hành can đảm, những tùy chọn cho tình huống này là gì?