Đôi khi, không phải chỉ các quy tắc mà cả lối tư duy của tổ chức
cũng cần được phá vỡ. Việc theo đuổi mục đích chung có thể bị cản
trở bởi những giả định về thế giới của nhóm. Những giả định này là
những lăng kính mà nhóm dùng để lọc thông tin. Đôi khi, các lăng
kính cũng có thể loại bỏ những triển vọng quan trọng.
Giúp một nhóm thoát ra khỏi các giới hạn của lối tư duy hiện thời
của nó là một thử thách lớn; chúng ta đang yêu cầu nhóm thực hiện
một bước nhảy vào lãnh thổ mà nó thậm chí không biết là đang tồn
tại. Những người thừa hành can đảm nếu muốn đề xuất một mô
hình mới, thì phải chuẩn bị tinh thần cho nhóm để họ tiếp nhận nó,
nếu không họ sẽ nhận được những cái nhìn trống rỗng và nhanh
chóng bị từ chối. Nhóm phải có một ý niệm cơ bản về những vấn
đề mà họ sẽ phải giải quyết. Ví dụ, một tổ chức chưa bắt đầu phải
vật lộn sự thiếu đa dạng văn hóa sẽ không có ý niệm nào, dù chỉ là
mơ hồ, về những vấn đề thực sự; nói gì tới việc họ có vai trò thế
nào trong những vấn đề đó.
Chúng ta phải sẵn sàng đưa mối lo ngại của mình về mô hình
hiện tại của tổ chức đến cấp lãnh đạo cao nhất và bắt đầu hình
thành nhận thức về các vấn đề ở đó. Chúng ta cần chuẩn bị tốt
các nguồn lực để tạo ra nhận thức này cũng như nhận thức về mô
hình thay thế. Những nguồn lực này có thể bao gồm:
• Các số liệu thống kê – các dữ kiện bằng con số về thực
trạng hiện nay
• Lịch sử và giai thoại về trường hợp cụ thể
• So sánh với thực trạng của các nhóm khác
• Các chuyên gia và các nghiên cứu bên ngoài
• Những tuyên bố về tác động từ các bên liên quan bị ảnh hưởng