Chương ba
Thật thất vọng bởi tối qua tôi đã chẳng đem về lời phát biểu hay
sự kiện nào đáng kể và xác thực. Đàn bà nghèo túng hơn đàn ông
bởi - lí do này hay lí do kia. Giờ đây, có lẽ tôi phải từ bỏ kế hoạch đi
tìm kiếm chân lí, được gì đâu ngoài núi quan điểm nóng bỏng như
nham thạch và biến màu như nước rửa bát. Tốt hơn, tôi nên khép
màn cửa lại; chặn đứng, không cho sự nhiễu loạn từ bên ngoài lọt
vào; thắp lên ngọn đèn; thu hẹp mục tiêu tìm kiếm và đi hỏi nhà viết
sử, người ghi chép sự kiện chứ không phải quan điểm, nhờ ông
miêu tả cho tôi rõ hoàn cảnh sống của phụ nữ, không phải qua mọi
thời đại, mà ở Anh quốc, dưới thời Nữ hoàng Elizabeth [Đệ Nhất]
chẳng hạn.
Bởi câu hỏi không có lời đáp vẫn đeo đẳng hết thời này sang thời
khác là tại sao không có người phụ nữ nào đóng góp một chữ vào
cái kho tàng văn chương hoành tráng kia, trong khi cứ hai người đàn
ông thì có một người biết sáng tác ca khúc hoặc làm thơ. Đàn bà thời
trước sống như thế nào? Tôi tự hỏi; bởi sáng tác văn học, công việc
sáng tạo của trí tưởng khác với khoa học, không như hòn sỏi rơi
xuống mặt đất; văn học giống như cái mạng nhện, bám dính vào bốn
góc của đời sống, mặc dù có lẽ nó chỉ bám hờ. Thông thường chẳng
mấy ai thấy nó bám như thế nào; chẳng hạn, kịch của Shakespeare
hình như một mình một cõi treo trên đó. Nhưng khi cái mạng nhện
bị kéo chệch sang một phía, cong queo ngoài rìa, rách nát bên trong,
thì người ta chợt nhớ kẻ giăng chúng giữa không trung không phải
là những sinh vật vô thể; chúng là sản phẩm của những con người
khốn khổ, và chúng bám lên những cái thông thường, hữu hình như
sức khoẻ, tiền bạc và nhà cửa chúng ta sinh sống bên trong.
Bởi thế, tôi đi tìm kệ sách lịch sử và lấy xuống một trong những
cuốn mới nhất có nhan đề “Lịch sử Anh quốc” của giáo sư