Tiệc xong, cụ kiếu về. Giữa đường mắc một trận mưa to. Đến nhà, cụ
bị cảm nằm vùi. Cụ bà lo sợ sai người đi rước đến bốn vị Đông y sĩ chẩn
mạch. Vì biết cụ cũng tinh thông y học, nên bốn vị Đông y sĩ nhất nhất đều
có ý kiêng nể cụ mà hỏi ý kiến cụ trước về sự đầu thang. Cụ gắt lên : « Quí
ông nhận thấy thế nào thì cứ đầu thang, lo ngại nỗi gì ».
Bốn vị Đông y sĩ ngồi lại bàn bạc cùng nhau, văn chương chữ nghĩa
tranh luận vang rân. Cụ khẽ bảo người em vợ : « Ngầy ngà quá. Em với chị
em dọn cơm nước mời các thầy ấy rồi đưa về. Chi cũng chẳng qua mạng
trời, không có gì phải ngại ».
Bịnh cụ xem ra càng ngày càng nặng, nhưng tinh thần cụ vẫn thường
tỉnh táo.
Hôm sau, cụ gọi các học trò cụ mà bảo : « Hết canh ba đêm nay thì ta
tắt nghỉ ».
Các học trò cụ đều ngạc nhiên, có vẻ không tin lời cụ, vì thấy thần sắc
cụ tươi tỉnh như thường.
Đúng ngọ, cụ làm xung. Bấy giờ các học trò cụ và thân quyến mới giựt
mình lo lắng, xúm nhau hơ vuốt cho cụ. Hơi thở của cụ chỉ còn hoi hóp.
Đến xế chiều, cụ tỉnh lại, thần thái an nhiên như người vô sự. Cụ gọi
các học trò : « Mấy anh lấy bút mực ra đây, chép lấy lời ta lưu niệm ».
Các học trò thưa : « Thầy dặn bảo gì xin cứ nói, anh em chúng con sẽ
xin ghi nhớ ».
Cụ khoát tay : « Cứ đem bút mực ra ghi chép cho tiện ».
Không ai dám nói gì nữa, vội vàng tuân theo ý cụ. Cụ bèn đọc hai câu :
« Lịch lịch đông bài tây chi, huyền trương trứ minh ; Phân phân uẩn kết
châu liên, dữ tiên vi thể ».
Đọc xong. Cụ bảo : « Hãy giữ kỹ. Đừng để sai lạc chữ nào. Chừng ta
thác rồi, nhờ bậc túc học coi theo ý đó mà đề bài châm thờ ta ».