Tuy nhiên, cuộc đời dinh hư tiểu trưởng xưa nay vẫn là lẽ tuần hoàn
bất di bất dịch trong vũ trụ. Có đầy thì phải có vơi, có lớn lên thì rồi vẫn
phải có tiêu tán mất đi. Cho nên, bậc đạt quan hằng giữ mực thường, ung
dung trong mọi cảnh ngộ, thì mới khỏi phải điên đảo tâm hồn trong những
cơn thịnh suy bi thới được.
Họ Mạc hưng thạnh thật là nhanh chóng, người thường thấy thế ai
chẳng khen ngợi thèm thuồng những sự vinh hoa phú quý kia. Nhưng có
biết đâu rằng : Bạo phát thì bạo tàn. Hễ đến hồi cực thạnh rồi, ắt sẽ phải suy
dần, nhất là nếu không khéo tu tỉnh giác ngộ lẽ dinh hư tiêu trưởng, thì
không sao giữ bền cơ nghiệp được mãi đâu, và sự sụp đổ không sao tránh
thoát.
Giai đoạn suy đồi của họ Mạc, bắt đầu từ năm Nhâm Thìn 1772, khi
quân Xiêm kéo sang đánh phá Hà Tiên dữ dội, khiến Mạc Thiên Tứ phải
chạy sang Trấn Giang (Cần Thơ). Vừa lui được giặc Xiêm, chưa kịp tái
thiết những nơi bị chiến tranh tàn phá, lại phải chuẩn bị đương đầu với Tây
Sơn kéo vào Nam.
Đinh Dậu 1777, Thiên Tứ phải đau lòng về cái chết của con là Mạc Tử
Sanh đã hy sinh cho chúa Nguyễn trong trận chống Tây Sơn mãnh liệt nơi
vùng gọi là Tham Tướng ở Cần Thơ bây giờ. Oai thế Tây Sơn lẫy lừng,
chúa Nguyễn Phúc Thuần với cháu là Nguyễn Phúc Ánh và người trong
hoàng tộc là Nguyễn Phúc Đồng phải chạy tuốt xuống Cà Mau. Tây Sơn
đuổi nà theo. Tại Cà Mau, Nguyễn Phúc Đồng bị giết chết, chúa Định
Vương Nguyễn Phúc Thuần bị Tây Sơn bắt sống và hành quyết. Nguyễn
Ánh lên thay nắm binh quyền, chạy sang lưu vong bên Vọng Các (Thái
Lan). Mạc Thiên Tứ ở trong cảnh thất thế cũng phải chạy sang Xiêm nương
náu. Cùng đi với gia quyến Thiên Tứ có hoàng Tử Xuân, con thứ 17 của
chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.