Chẳng bao lâu chúa Nguyễn Ánh khôi phục được thành Gia Định, sai
người sang Xiêm triệu Thiên Tứ trở về. Thiên Tứ vào triều kiến vua Xiêm,
cảm ơn hậu đãi bấy lâu và tỏ ý xin về. Vua Xiêm nghiêm nghị : « Ngươi có
chắc rằng chúa Nguyễn thật lòng ưu ái ngươi chăng ? Trong cơn nguy biến
ngươi đã bỏ nước mà đi, chưa lập chút công lao gì, nay nghe thắng trận, gọi
về, ngươi chẳng sợ bị chúa Nguyễn chê trách và các tướng ganh ghét sao ?
»
Mạc Thiên Tứ dùng dằng chưa biết liệu lẽ nào. Còn đang ưu tư, bỗng
thấy nội giám của vua Xiêm đến mời : « Có việc khẩn cấp, hoàng thượng
cho triệu ông gấp ».
Thiên Tứ lật đật vào chầu, Vua Xiêm gay gắt : « Ngươi có hay chuyện
gì chăng ? »
Thiên Tứ ngơ ngác : « Tâu hoàng thượng, chuyện chi ? »
Vua Xiêm cười gằn : « Ta xem ra chúa nước ngươi không thành thật
giao hảo với nước ta. Vừa rồi, thuyền buôn của nước ta từ Quảng Đông về
qua ngang Hà Tiên, bị cướp sạch cả. Vì sao thế ? »
Thiên Tứ lộ vẻ buồn : « Hẳn là đám côn đồ nào đấy không biết gì đến
tình hình quốc gia, nên đã xúc phạm càn rỡ như thế, thật là đáng tiếc. Chúa
tôi chẳng bao giờ dung dưỡng lũ cướp ấy đâu, sớm muộn gì ắt cũng sẽ bắt
mà trừng trị, giao hoàn tài vật lại cho các tài gia kia chớ chẳng không ».
Vua Xiêm cười lạt, có vẻ không tin. Mặc cho Thiên Tứ biện bạch cách
nào, vua Xiêm vẫn một mực lắc đầu : « Thôi ngươi hãy lui đi. Để rồi xem ».
Sự nghi ngờ đã chớm nở trong lòng vua Xiêm. Mạc Thiên Tứ bàng
hoàng lo âu khôn xiết. Bao nhiêu lời biện bạch đều bị gạt ngang, thế thì vua
Xiêm đã tỏ ra không tín nhiệm ông nữa, tình thế nầy nếu không sớm liệu rời
nước Xiêm cho sớm, ắt không khỏi nguy đến tánh mạng. Nhưng đi cách
nào cho ổn ? Ông còn đang bối rối lo liệu, bỗng thấy một toán ngự lâm