Cần Thơ, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít và Sa Đéc. Thế là Cần Thơ rơi vào
tay chúa Nguyễn.
Nhưng dân chúng Cần Thơ vẫn chẳng yên được lâu, đến tháng 10, sau
khi Châu Văn Tiếp tử trận tại Mân Thít, tình thế binh chúa Nguyễn có chiều
nao núng. Rồi thì tháng chạp, chính Nguyễn Huệ thân chinh chỉ huy quân
Tây Sơn đánh tan quân Xiêm tại Rạch Gầm. (Trận nầy là một chiến công
oanh liệt nhất của Tây Sơn, đến đỗi tướng Xiêm là Chiêu Tăng, Chiêu
Sương phải bỏ cả binh thuyền, lên bộ chạy về Vọng Các. Chúng tôi sẽ thuật
rõ trong quyển « Định Tường xưa và nay » sẽ xuất bản).
Sau trận đại bại Rạch Gầm, chúa Nguyễn Ánh cả kinh quay lại Cần
Thơ, binh Tây Sơn tái chiếm Cần Thơ, dân chúng nơi đây thêm một lần nữa
phải điêu đứng vì chiến họa. Chúa Nguyễn tách dặm băng ngàn, từ Cần Thơ
ra hòn Thổ Châu lánh mình như trước.
Đinh Vị 1787, tháng 8 chúa Nguyễn lại từ Xiêm về, đốc xuất quân sĩ
phản công Tây Sơn. Đôi bên đánh nhau nhiều trận lớn tại Trà Ôn (Cần Thơ)
và Ba Rài (Mỹ Tho). Rồi bị Tây Sơn đánh bại tại cù lao Giung Hổ Châu, ở
cửa sông Hậu Giang. Tuy nhiên, từ tháng 10, đóng đại bản dinh tại Nước
Xoáy (Sa Đéc) binh tướng chúa Nguyễn dần dần khôi phục khí thế, dõng
cảm đương đầu với Tây Sơn, đẩy lui Tây Sơn khắp nơi. Bấy giờ Cần Thơ
cũng đã được chúa Nguyễn thâu phục lại.
Sang tháng 10, có tin tướng Cao Miên là Ốc Nha Long theo Tây Sơn
nổi loạn, đánh chiếm Cần Thơ, đóng đồn tại địa điểm nầy, khiến dân chúng
đã khổ sở lại càng khổ sở. Chúa Nguyễn lập tức đem đại quân từ Sa Đéc
đến Cần Thơ dẹp loạn.
Ốc Nha Long không chống cự nổi, nhưng càng thua to chúng càng
quấy phá dữ tợn. Đây là lần thảm khổ nhất của dân chúng Cần Thơ. Nhưng
cuối cùng rồi cũng dẹp yên loạn được, chúa Nguyễn vỗ an lê thứ, trao
quyền cho một viên đại tướng ở giữ Cần Thơ, còn Ngài thì trở về đại bản