Đến nơi, bà Thủ khoa tìm dinh quan Thượng Thơ tỏ nỗi hàm oan của
chồng, tường thuật sự lộng quyền của các quan tỉnh Vĩnh Long và tỏ ý
mình muốn đến Tam Pháp Ty kêu oan. Phan Thanh Giản bèn chỉ biểu
đường đi nước bước và làm giúp bà một tờ trạng tỏ nỗi khúc oan.
Bà học thuộc lòng tờ trạng, rồi đêm kia, lối canh năm, bà đến đền vua,
nổi ba hồi trống. Vua Tự Đức lâm triều, thâu đơn của bà rồi giao cho Bộ
Hình thẩm xét. Bộ Hình lấy cung chiêu thẩm định rồi tuyên án Thủ khoa
như vầy : « Tha cho Bùi Hữu Nghĩa khỏi tử hình, song phải quân tiền hiệu
lực, đái công chuộc tội ».
Từ Dũ Thái Hậu đòi bà Thủ khoa vô cung, tỏ lời khen và ban cho một
tấm biển đề bốn chữ vàng : « Liệt phụ khả gia ».
Sau bà Thủ khoa về ninh gia tại Biên Hòa rồi bị bịnh tạ thế nơi đó.
Khi bà tạ thế thì Nghĩa mắc trấn nhậm ở Châu Đốc, nên phải quàn bà
lại rất lâu, đợi Nghĩa về đọc một bài văn tế lâm ly thống thiết rồi mới an
táng tại làng Tân Hiệp, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hòa.
ĐOẠN ĐỜI CUỐI CỦA THỦ KHOA NGHĨA
Khỏi tội chết chém, Nghĩa bị đổi đi làm chức thủ ngữ ở Vĩnh Thông
(Châu Đốc) đánh dẹp dân Cao Miên làm loạn. Giặc yên đặng ít lâu, lại nổi
lên làm phản nữa. Chuyến nầy, Nghĩa với quan quân bị bắt rất nhiều, song
Nghĩa được tha trở về Tịnh Biên.
Thấy nhiều kẻ xu quyền phụ thế, quan lại quá ư tham tàn, Nghĩa xin
hồi hưu trở về quê quán tại Bình Thủy (Cần Thơ), mở trường dạy học, vui
thú thanh nhàn.
Về đường miêu duệ thì Nghĩa sanh hạ :
- với bà chánh thất Nguyễn Thị Tồn được một gái, hai trai : Bùi Thị
Xiêm – Bùi Hữu Vàng – Bùi Hữu Tú