- Thưa Thống đốc, việc ngài cử quan quân ra Hà Nội để dàn xếp với
Đuypi là việc chúng tôi khó chấp thuận. Một nước có chủ quyền không thể
để quân đội nước khác xâm nhập.
Đuypơrê ra vẻ ngẫm nghĩ rồi phân giải:
- Giăng Đuypi xâm nhập Hà Nội với tàu thuyền và quân lính riêng của
ông ta. Chúng tôi không thể chỉ cử một vài quan chức với hai bàn tay
không để giải quyết, mà phải có quân lính làm áp lực.
Sau đó, vị sứ thần nước Nam chính thức hội đàm với đại diện nước
Pháp theo nội dung trên, rồi ông mau chóng trở về tâu vua.
Vua Tự Đức lại triệu các đại thần vào hầu. Các quan bàn xuôi bàn
ngược, lật trái lật phải đều xoay vào chủ định của vua: đuổi Đuypi khỏi Hà
Nội nhưng cần tránh đụng độ với Pháp. Nếu có một viên tướng và một số
quân Pháp đến Hà Nội để đuổi tên lái buôn ngỗ ngược cùng đám quân
riêng của nó, thì cũng tạm chập nhận.
Thế rồi một thông điệp từ kinh đô gửi ngay vào cho Thống đốc Nam
Kỳ. Viên Thống đốc hể hả thấy đối phương mắc mưu mình. Có thể Đuypi
sẽ rút khỏi Hà Nội để nước Pháp không mang tiếng vi phạm hòa ước. Cũng
có thể Đuypi cứ ở lại hỗ trợ cho viên võ quan chính thức của Pháp, ép triều
đình Tự Đức ký nhượng ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, hơn nữa phải nhận sự
bảo hộ của Pháp đối với toàn bộ nước Nam...