tiếp tục đấu tranh đòi dân chủ cho đồng bào mình, bị nhà cầm quyền kết án
tái phạm và trừng phạt...Bội Châu thương tiếc, viết bài văn tế, nhiều câu
xúc động:
"Nhớ tiên sinh xưa / Nghiệp thừa gia cung kiếm pha đường / Nền tác
thánh thi thư nối dõi /...Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng / Một ngòi lông vừa
trống vừa chiêng / Cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói /...Nào hay,
trường nô lệ chung quanh là rắn rết, văn cứu đời khen khéo gây can / Ổ dã
man ngao ngán những hùm beo, miệng ái quốc hóa nên buộc tội / Thành
Hà Nội ùn ùn mây ác độc, nào kẻ lánh mình, nào nguời chống thuế, chữ âm
mưu tô vẽ đủ trăm đường / Đảo Côn Lôn rực rực lửa oan cừu, thấy người
yêu nước, thấy kẻ thương dân, tơ xướng loạn dệt thêu ra một mối /...Anh
em ta đất rẽ đôi đường, tình chung một khối / Gánh tồn vong ai cũng nặng
nề / Nghĩa chung thủy ngày càng bối rối /...Trước đã giỏi mà sau thêm giỏi
nữa, dấu Cộng hòa xin gắng sức noi theo / Thác đã thiêng thì sống phải
thiêng hơn, thang Độc lập quyết đều tay vin với...
Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh có sự vận động sâu rộng và đông đảo
của Hội Thanh Niên, cùng mấy đoàn thể yêu nước khác. Được tổ chức tại
khắp các tỉnh, cả ba kỳ. Truyền đơn, khẩu hiệu có nội dung "Để tang cụ
Phan Chu Trinh" và đòi "Tha cụ Phan Bội Châu". Đồng bào các giới tham
dự với lòng tiếc thương. Tại Huế, lễ truy điệu có hàng trăm người dự. Các
nhân sĩ mời cụ Phan Bội Châu làm chủ lễ.