Hai người chạm cốc và nhấm nháp. Đúng là hương vị của Veuve
Clicquot, vừa tinh khiết lại nồng nàn.
– Năm hai mươi tuổi, thầy vẫn ở Đại Hưng An chứ? – Phục Thực lên
tiếng.
– Đúng thế!
– Vậy hồi đó thầy đang làm gì?
– Thất nghiệp.
– Cô nhà cũng là người cùng quê chứ?
– Không phải.
Dường như gã nhà văn không mặn mà lắm với việc nhắc lại chuyện quê
nhà và khơi gợi lại quãng thời gian ấy.
Trước khi đặt chân lên được đỉnh cao huy hoàng, rất nhiều người đã
từng phải kinh qua những khoảng thời gian mà sau này chẳng thể giãi bày
cho ai. Ngay sau khi thoát khỏi đáy nghèo cùng khổ, họ liền đoạn tuyệt
ngay với mảng ký ức xưa cũ. Gã nhà văn chắc hẳn cũng thuộc nhóm người
này.
Tỉ như nơi chôn rau cắt rốn gã hằng miêu tả, rất có thể đã được diễm lệ
hóa một cách vô tình hay hữu ý: “Mùa đông, băng tuyết cô đơn phủ lên
khắp ngôi làng. Một màu trắng bàng bạc. Mùa hạ, rừng rậm xanh mướt
khiến nơi ấy tách biệt hẳn với thế giới xung quanh.” Có lẽ chăng cái xứ sở
đó trong thực tế lại tột cùng lạc hậu khốn khổ, rách nát, và bẩn thỉu như
một cơn ác mộng…
Người thanh niên mang tên Phục Thực này cũng vừa mới bước chân ra
từ cơn ác mộng ấy.