Phần 5
Mùa khô năm tôi mười ba tuổi, bầy vịt lăn ra chết gió. Để kiếm sống, cha
tôi quay lại với nghề thợ mộc. Cha nhận đóng giường, tủ cho một vài nhà
trong xóm Bàu Sen, chúng tôi neo ghe lại đó dài ngày.
Cái cảm giác đang ở xóm cũ (có ngôi nhà cũ) vây riết lấy chúng tôi (chữ
“chúng tôi” tôi không kể cha vào). Những trưa xế ngồi ngoài hàng ba một
nhà trong xóm, tôi tước lá dừa thắt cào cào châu chấu, Điền ngó nắng rưng
rưng ngoài sân, nói “sao gió ở đây giống hệt gió nhà mình”. Hai đứa tôi
muốn khóc.
Chị chủ nhà ngần ngại nói với cha, “Ngó mặt hai đứa con anh thấy thương
quá, thấy… không bình thường”. Cha tôi cười nhẹ, “Vậy hả ? Ờ ờ…”.
Đứa con gái chị chủ nhà trạc tuổi thằng Điền, rủ chúng tôi vào nhà chơi.
Nhưng nó luôn nhận được những cái lắc đầu. Chúng tôi sợ quá cái bồ lúa
trong nhà, hình ảnh nó làm cả hai chị em ngạt thở. Thật lạ làm sao, khi mà
chúng tôi đã quen dần với những - hình - ảnh - giống - mình (tức là bị bỏ
giữa đời chơi vơi), thí dụ như nhìn một chiếc đũa gãy, cái nắp nồi vỡ, hay
bầy gà con lạc mẹ nhao nhác… Nhưng không quên được, cái bồ lúa ngai
ngái mùi cứt trâu, giữa nó và vách nhà là một khoảng hơi tối nhưng rất thu
hút trẻ con. Chúng hay giả bộ đó là nhà của riêng chúng, để bày biện, nấu
nướng, đóng vai chồng vợ, vai má con. Để lúc bị đòn, chúng cũng chui tọt
vào đó, khóc một mình, nhiều khi ngủ quên luôn (và người lớn thì hãi
hùng, sao không thấy đứa nhỏ đâu, nó bỏ đi về ngoại, nội? hay đã vô ý trợt
chân té xuống đìa ?). Cái kẹt bồ lúa, cũng đã từng là thiên đường mơ mộng
của hai chị em tôi, bẻ trái trứng cá làm cơm, muổng dừa là chén, giả đò
“ăn” no, giả đò tối rồi, đi ngủ, một bữa kia chơi chán lăn ra ngủ thiệt, thức