để nghỉ hè rồi biết tay ta.
* * *
Những ngày Tết qua mau chóng. Thời tiết đã bắt đầu nóng bức trở lại. Bà
Tuyết Hoa mướn thầy về nhà dạy kèm cho con gái, luôn thể kèm Mây. Bà
cũng mướn luôn một cô giáo dạy nhạc và đờn dương cầm. Mặc dù giờ học
nào cũng có mặt Mây, nhưng Mây cũng biết giới hạn quyền lợi mà mình
được hưởng. Mây không dám đụng đậy tới cây đàn đẹp đẽ luôn luôn phủ
khăn nhung đỏ khi đóng kín và để lộ ra những phím trắng hình chữ nhật
nõn nà sang cả. Những giờ học chữ, bà Tuyết Hoa ép Mây vào ngồi học với
Mai bởi vì Mai hay nản. Gặp bài tính khó, hoặc bài luận hóc búa, Mai rớm
nước mắt bỏ cuộc ngay. Có Mây, Mai ráng sức hơn, cố gắng hơn. Riêng
những giờ dạy đàn, dạy học, Mây trở nên một người thừa. Khi thì Mây ra
ngồi một góc ở ban-công, khi thì ngồi một góc nhà. Người dạy nhạc chỉ dạy
cho một người và bà Tuyết Hoa cũng không muốn Mây học vì ít ra Mây
cũng không phải là Mai hoặc Văn. Nhưng tận trong thâm tâm Mây, những
tiếng đàn êm ái kia có sức quyến rũ thậm tệ. Mây ước ao được một lần
nhấn mấy ngón tay cứng nhắc của mình lên mấy phím đàn mát lạnh đó.
Một lần thôi. Nhưng Mây cũng không dám ngay cả khi tất cả đều vắng nhà
hoặc đôi khi Mai kêu Mây tới đàn thử. Lòng ham muốn vẫn không che giấu
được khoảng cách giữa Mây và chiếc đàn sang trọng. Ngồi ở góc nhà, nghe
tiếng đàn vọng ra, Mây tủi thân hết sức. Cho mình ở địa vị của Mai nhỉ.
Được đàn được hát theo tiếng đàn. Ôi biết bao sung sướng.
Hôm nay, cũng như mọi ngày, Mai được đưa đi trị bệnh. Căn nhà vắng
lặng. Chị bếp rút xuống dưới làm bữa cơm chiều. Mây lén đem những bài
học về nhạc lý của Mai ra học. Mai chép lại vào tập vở nhỏ của mình
những nốt nhạc, những định nghĩa, cung bậc. Đáng lẽ Mây không làm
chuyện xấu xí này nếu Mây không nghe được câu chuyện của cô giáo dạy
nhạc và Mai. Hôm đó, Mai lười học nhạc lý, bài trả không thuộc, bài làm
cũng không. Cô giáo hỏi tại sao Mai trả lời không thích học vì khó và
không thích thú. Cô giáo trả lời:
- Em phải biết nếu em chỉ học đàn hoặc học hát mà không am tường nhạc
lý thì cũng xem như bỏ đi.