múa trước mặt mọi người. Và không khí ngất ngây nào trên bục gỗ giữa
tiếng đàn tiếng vỗ tay vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng Mây cũng nghĩ đến
những lời nói của ông Hoàng Phong. Mây cũng nhớ đến những mơ ước tàn
phai của mình. Mơ ước chứ chưa phải là sự thật. Tuy nhiên kinh nghiệm
sau này vẫn không đủ để Mây giết chết những đam mê ca hát của mình. Nó
chỉ đủ để Mây chững chạc hơn lên, thực tế hơn lên.
Cái trí óc lãng mạn mơ mộng bây giờ đã biết đắn đo suy xét Mây hỏi:
- Có khi nào nghèo như mình mà học hành thành tài, mà nổi tiếng không
anh Chân.
Chân cười:
- Lẽ tất nhiên là có và cũng không hiếm gì. Nhưng bắt buộc là phải có dịp
may và ý chí nhẫn nại mới được.
Mây bỏ đi nằm. Cái dịp may mà Chân vừa nói bao giờ mới đến với Mây.
Mây vắt tay ngang trán cố nghĩ đến công việc ngày mai và xóa hết những ý
nghĩ vu vơ. Nhưng không được. Ý nghĩ thoát khỏi cuộc sống hiện tại, vươn
mình lên bằng tài năng của mình, dù biết là viễn vông, Mây cũng không tài
nào dứt bỏ. Và việc đó đã trở thành ám ảnh cho Mây ngày đêm. Mây trở
nên tư lự. Công việc hàng ngày không hăng say như trước nữa. Trạng thái
tinh thần của Mây chỉ có một người chú ý nhất là Chân. Có hôm đi phân
phối báo ngang qua nơi làm chờ Mây chở về cho đỡ tốn tiền xe, Chân thấy
Mây đi mà mắt lơ đễnh như không thấy gì phía trước, không thấy cả Chân
đang đứng lù lù trước mắt. Có hôm đang ăn cơm, nghe tiếng chiếc máy
phát thanh bên hàng xóm vọng Mây bài hát trữ tình Mây im lắng tai nghe
rồi chìm trong suy tư quên cả ăn uống. Chân không chịu được điều đó.
Chàng cũng không hiểu tại sao mình lại đi thắc mắc như vậy. Chỉ biết là
những khi thấy vậy, lòng Chân bức rức, xốn xang. Chân biết hình như Mây
có một tâm sự nào đó. Và nhất định Chân phải hỏi cho ra lẽ.
Dịp đó đã đến. Đó là hôm rằm tháng tư. Ông bà Tư đi Chùa vắng, chỉ còn
Mây và Chân ở nhà. Mây dọn dẹp sau bếp và Chân thì chữa lại chiếc dây
xích xe đạp dài quá. Chân sửa xe hòi cho đến khi Mây bật đèn mà việc vẫn
chưa xong. Mây đến gần hỏi:
- Anh Chân à. Cái xe hư lắm hả.