Khách ăn có người cũng dừng tay gắp lắng nghe vài đoạn. Ban đầu Mây sợ
và thẹn lắm nhưng riết rồi cũng quen coi như một nghề sinh nhai. Nhất là
từ khi xin xỏ thiên hạ cách này, chú cháu Mây no ấm hơn. Mây có dư tiền
để mua một cái lược màu chải tóc, mua cái mũ cói đội đỡ nắng và đôi dép
nhựa thay vì đôi dép cao-su hay đứt.
Cho đến một hôm. Cái hôm, Mây nhớ rõ như in, Mây mặc cái áo mới may
bằng vải hoa. Hai chú cháu lần lửa xuống tận Sài Gòn. Chú Mây nói với
cháu:
- Rán kiếm bộn bộn tiền mà ăn Tết.
Với ý tưởng giống như chú, Mây rán hết sức mình để hát những bản nhạc
đầy tình thương yêu. Mây hát tất cả bốn bản, bản ruột của Mây là Làng Tôi,
tiếp đó là bản Lòng Mẹ, Quê Nghèo, Tình Quê Hương.
Hát xong Mây đem mũ cùng chú đi một vòng. Động tác này đối với Mây
quen thuộc và Mây thường ít chú ý đến khách. Nhưng hôm nay, lần đầu
tiên Mây hát ở một tiệm ăn tương đối lớn ở Sài Gòn nên thái độ của Mây
nghiêm chỉnh lắm. Từng bàn, từng bàn. Đến trước một bàn Mây lại cúi đầu
cám ơn người cho tiền. Dáng điệu của Mây làm cho một người đàn bà sang
trọng chú ý. Khác với những người khách khác, bà đi một mình, không cho
tiền vào cái mũ của Mây đang cầm ở tay mà lại chỉ hai cái ghế trống trước
mặt nói, giọng chậm rãi từ tốn và nhẹ nhàng:
- Mời ông và cháu ngồi xuống đây một lát. Chắc ông và cháu không bận
gì?
Mây ngước đầu nhìn sửng người đàn bà. Chú Mây tưởng mình nghe lầm,
ông bấm tay vào vai Mây giục giặc, đôi lòng mắt đảo lộn liên miên.
- Tôi mời thật mà, tôi có chuyện cần hỏi ông một lát. Ông vui lòng. Cháu
ngồi đây. Ăn bánh ngọt nhé.
Giọng nói êm ái đó như thôi miên Mây. Mây ngồi nhẹ lên chiếc ghế êm
như nhung. Chú Mây ngồi lên mép chiếc ghế cạnh Mây, hẳn chú không tin
những gì đang xảy ra ở trước mặt mình. Bàn tay chú lần sờ lên nền nệm
ghế, rồi sờ lên tấm áo vá của mình.
- Ông và cháu là cha con?
Người đàn bà gợi chuyện.