- Không, tôi là chú.
Người đàn bà cầm muỗng khuấy đường trong ly nước cam người bồi vừa
mang đến đẩy lại trước mặt chú Mây ân cần:
- Mời ông uống tí nước. Cháu chờ kem nhé. Trẻ con thường thích ăn kem.
À, tôi hỏi chuyện hơi đường đột một chút, xin ông thứ lỗi cho.
Từ lâu, lâu lắm rồi chú Mây không được nghe những giọng nói lịch sự đó,
bây giờ nghe được trong một hoàn cảnh bất ngờ như hôm nay, chú cháu
Mây ngẩn ngơ ngạc nhiên. Chú Mây lo âu và hơi khó chịu vì mặc cảm sự
nghèo nàn rách rưới của mình. Ông có cảm tưởng như cả tiệm nước đang
trố mắt nhìn hai chú cháu. Ông nói, giọng hơi chát:
- Cám ơn bà, nhưng… chúng tôi đâu có quen biết gì với bà…
Mây đưa mắt nhìn người đàn bà trước mặt. Đôi mắt kẻ đen khéo léo ánh
một chút buồn lòng và ngập ngừng. Vầng trán được che phủ bởi những lọn
tóc đen nhánh khẽ nhíu lại ở đường chân mày, giữa hai mắt.
- Vâng, tôi biết lỗi, nhưng quả thật tôi có chuyện cần nhớ đến ông. (Bà thấp
giọng) Nhưng trước hết xin ông và cháu đây nghe tôi kể hoàn cảnh của tôi
bây giờ. Gia đình tôi gồm tất cả ba người, tôi và hai đứa con, đứa con trai
lớn năm nay được 18 tuổi nội trú ở Nha Trang, đứa con gái nhỏ trạc bằng
cháu này đây. Chồng tôi chết trận khi cháu bé mới được 6 tuổi. Nhưng nhờ
trời gia đình tôi khá giả nên tôi nuôi nấng được con cái đàng hoàng. Tôi cứ
tưởng đời tôi sẽ không có những lo lắng nào nữa, thế không ngờ, trời còn
bắt tội, hồi Tết Mậu Thân vừa qua, một viên đạn lạc làm bị thương cháu
nhỏ. Rủi ro, vết thương động đến tủy sống ở lưng, cháu bị tê liệt không đi
được. Nhà đơn chiếc, cháu nó buồn vì đang tuổi chạy nhảy mà phải mang
tật. Tôi…
Chú Mây ngắt lời:
- Chắc bà muốn thuê con cháu tôi đây về ở với bà phải không?
Bác khách lắc đầu:
- Ông nói vậy hơi quá… Tôi thấy cháu nhỏ đây thông minh, hiền hậu, nên
mong ông cho cháu về làm bạn với đứa con gái của tôi. Tôi sẽ cho cháu học
hành đàng hoàng. Ông nghĩ lại đi, ông làm ơn cho chúng tôi mà cháu ông
cũng có lợi.