— Con có đứng ở ngoài nắng khi chờ cho quân Mỹ đi qua không?
Ông hỏi nàng.
— Vâng. Sáng nay con để dù ở nhà; con tưởng mặt trời không đến nỗi
gay gắt quá.
Bà Sakai nhìn con gái:
— Sau bữa ăn, con phải đánh phấn lại, bà bảo con. Má đỏ quá làm cho
người con gái có vẻ tầm thường.
— Thật con chẳng muốn là con một chút nào! Josui kêu lên, vẻ phụng
phịu, nhưng lại mỉm cười. Cha mẹ chỉ xét nét con thôi.
Ông bà Sakai quay mặt đi.
— Ngày mai phải thay hoa ở góc phòng, bà Sakai nói.
Góc phòng cắm hoa ở trước cửa vườn. Những cánh liễu đương nẩy
mầm và những cành mận đang ra hoa bao quanh cái bình hương. Những
bông mận rủ xuống một con nhái bằng đồng đen do Josui đặt ở đấy hôm
qua. Người ta để được ba thứ đồ vật trong góc cắm hoa, ngoài ra không thể
để một thứ gì thêm được nữa. Bác sĩ Sakai cho con gái theo học nghệ thuật
này tại nhà một vị giáo sư danh tiếng trong thành phố.
— Ngày mai, con sẽ cắt những cành đào đang nở hoa. Josui nói.
— Vậy con hãy để cái ly bằng đá thạch anh vào, nó sẽ hòa hợp với
hoa đào, ông bác sĩ khuyên con.
Không khí căng thẳng lúc nãy trở lại yên tĩnh. Josui ngồi yên lặng,
chăm chú đưa các đĩa thức ăn cho bố mẹ, tránh không để sự yên lặng của
mình làm phật ý hai người.
Nếu Kensan anh nàng còn sống, chắc sẽ giúp đỡ nàng chia sẻ gánh
nặng tình thương yêu của bố mẹ. Nếu còn sống, chắc Kensan bây giờ đã lấy
vợ. Josui còn nhớ rõ vị hôn thê của anh: nhỏ bé, vui tươi, nàng mặc y phục
Mỹ, với màu sắc rực rỡ, giầy cao gót. Có năm nàng được bầu làm hoa hậu
tháng Năm, ở Trường Trung học Los Angeles. Bố nàng là một mục sư Cơ
đốc giáo. Gia đình Sakai theo Phật giáo từ nhiều thế hệ, điều đó không khỏi