cơ của Mỹ được lệnh tránh tàn phá thành phố Kyoto cũng như Nhật đã
tránh cho Bắc Kinh. Bác sĩ Sakai không tin lời đồn đại này vì ông nghĩ rằng
người Mỹ không hiểu biết gì nền văn hóa.
Đôi khi, ông vẫn than phiền:
— Chúng ta bắt buộc phải lựa chọn giữa cộng sản và tính cách tầm
thường của Mỹ.
Trong thâm tâm, Josui thường cho cha mình là cực đoan. Theo lối của
ông, ông ghét Mỹ, vì Mỹ đã trục xuất ông, nàng nghĩ như vậy, và sự thù
ghét này là biểu lộ một tình yêu tuyệt đối nước Nhật cùng những truyền
thống cổ xưa của xứ sở. Trà đạo thật sự là một chuyện điên rồ! Nàng thấy
kỳ cục, những người đàn ông ngồi trang trọng trong một túp lều ở cuối thửa
vườn, cặp mắt chìm đắm trong cõi hư vô, chờ đợi uống một thứ nước xanh
nấu bằng lá trà giã nhỏ! Mùa thu năm trước, nàng đã theo cha mẹ sang dự
lễ trà đạo tại nhà ông Matsui và cha nàng vẫn cố chấp gọi là Chanoyu
Câu chuyện mà người ta cố gắng giữ trên phương diện tinh thần làm nàng
phải buồn ngáp. Ông Sakai ngâm những bài thơ tứ tuyệt ngắn, tưởng như
chính ông ứng khẩu đọc ra; thật ra, Josui biết lắm, ông đã để hàng giờ để
biên soạn trước.
Josui đi ngoài đường, đầu ôn lại những ý nghĩ này, vì nàng hiểu rõ
không bao giờ nàng dám tỏ bày những ý nghĩ thầm kín này. Nàng bình tĩnh
đi, đầu ngẩng cao, mặc dầu nàng muốn chạy, tay giơ ra như hai cánh; nàng
cùng bè bạn cười đùa thả cửa và cũng không hiểu tại sao. Ở Nhật, nàng
không thấy một thiếu nữ nào chạy cả, ngay cả những cô gái nhỏ, họ đi
những bước nặng nề, với đôi guốc hoặc đôi giầy da lớn; hoặc họ đi từ tốn
với những đôi giầy tập thể dục, đế cao su, rất thích hợp cho các cuộc chạy
đua.
Nàng đến cổng bệnh viện, sát liền Trường Đại học. Chính ở đó, buổi
sáng, nàng không thấy quân lính Mỹ đi qua, và nàng chỉ thoáng nhìn họ vì
hiếu kỳ. Trông họ giống nhau cả. Người Nhật ví người Mỹ như học sinh,
lúc nào cũng sẵn sàng xô đẩy nhau, cười, đấm đá nhau bất thình lình, giả đò