kiều cho đến tận ngày già nua, vì nàng thật đẹp và hoàn toàn thích hợp với
khung cảnh này.
Ngày ngày ngày nọ trôi qua. Họ treo những chiếc bí tất vào lò sưởi
bằng đá trắng do ông cố năm đời của Allen mua ở Pháp. Ở dưới chiếc bí tất
của chàng, Allen nhận thấy viên ngọc huyền đính vào một chiếc kẹp
caravat vốn xưa là của ông nội chàng.
Thấy Allen cảm động nhìn, mẹ chàng mỉm cười:
— Đó là phần của con sau này, vậy tại sao không cho con ngay bây
giờ? Mẹ có nói với cha con là mẹ muốn trao cho con tất cả những gì thuộc
về con sau này. Chúng ta sẽ nói chuyện này một ngày kia.
“Một ngày kia” bao giờ cũng là ngày hôm sau. Phải đợi viên luật sư đi
dự lễ ở Miami trở về. Allen viết thư cho Josui, tuy biết là nàng không trả
lời. Cuối cùng chàng không nghĩ ngợi nữa. Chàng giải trí trong cảnh tiện
nghi và đẹp đẽ của ngôi nhà bền chắc và cổ xưa.
Ngày Tết khách đến đông đảo. Không ai hỏi thăm Allen về Josui, về
cuộc sống của chàng ở New York. Đâu đâu chàng cũng gặp sự tiếp đón
nồng nhiệt.
Khi viên chưởng lý ở Miami trở về, Allen được mời vào thư viện và
quyết định của mẹ chàng được bày tỏ. Bà ngồi co người lại, ở phía đầu
chiếc bàn gỗ đào.
Ánh mặt trời mùa đông lọt vào gian phòng giữa những bức rèm lớn có
những búp vàng.
Viên chưởng lý, một người nhỏ bé, khuôn mặt rắn chắc nói như người
đang nhai rơm.
— Allen, mẹ anh đã tỏ ra rất quảng đại. Bà sang tên ngôi nhà cho anh,
kể từ nay, anh là chủ nhân ngôi nhà.
— Nhưng thưa cha, con tưởng ngôi nhà là quyền sở hữu của cha? –
Allen ấp úng nói.