khô trong bãi sa mạc Arizona. Ở Kyoto, nước trong vườn, sương mù ngoài
biển và trên núi làm cho nhà luôn luôn ẩm ướt.
Quỳ trong chiếc áo Kimono màu tím, cổ áo viền một mép lụa trắng
muốt, bà Sakai kiên nhẫn chờ đợi. Bà đi đôi vớ bông sợi trắng có hai lớp
gót do bà đan. Bà là người nội trợ hoàn toàn, sinh sống ở Nhật, trong một
trang trại nhỏ trên dãy núi cao của Nagasaki. Cha bà nghèo quá nên khi ông
bất ngờ xem một quảng cáo trên báo hiến cơ hội cho những thiếu nữ Nhật
kết hôn với người đồng bang di trú ở Hoa Kỳ, ông đã gởi ngay tính danh và
hình của con gái. Chuộng khuôn mặt dịu hiền của thiếu nữ, bà cụ thân sinh
của bác sĩ Sakai đã lựa chọn cho con trai. Thiếu nữ cũng không ngờ rằng
mình lấy một bác sĩ, một người không bao giờ ưa đôi chân vòng kiềng, bàn
chân thô lớn và hai bàn tay dày của nàng.
Ở Nhật, tuy vậy có một điều làm vừa lòng bà Sakai: chiếc áo Kimono
che giấu bàn chân thô bạo của bà. Ở Mỹ bà luôn luôn nghĩ ngợi về hai bàn
chân phơi bày ra trước sự hiềm khích của chồng. Ông chỉ quay mặt đi, điều
làm bà đau đớn hơn những lời tàn ác.
Khi con cái còn nhỏ tuổi, Sotan Sakai rất dễ giận hờn nếu vợ không
nuôi nấng chúng đúng theo lời chỉ bảo của ông. Vì vậy, bà đã bắt buộc con
trai, mặc nó khóc lóc, phải uống thứ sữa bò gớm ghiếc! Nay bà hối tiếc biết
bao đôi khi làm trái ý con! Bà không thể đến thăm cả mộ con được nữa.
Những giọt nước mắt chảy chan hoà trên má bà mỗi khi bà nghĩ đến
con trai. Bà cẩn thận lấy làn vải lót tay áo rộng lau mắt và sì mũi vào một
chiếc khăn tay bằng giấy để giấu trong tay áo bên trái. Bà vo viên chiếc
khăn giấy và vứt vào một chiếc bình lớn gần đấy. Bà theo những tục lệ Tây
phương nhưng từ khước không dùng chiếc khăn tay vải.
Bước chân của bác sĩ vang động. Người hầu gái vội vã tháo giày cho
chủ. Bà Sakai tiến ra cửa và cúi đầu chào chồng. Ông chỉ khẽ gật đầu đáp
lại và lẩm bẩm tên bà trước mặt người hầu gái. Bà trở lại phòng khách đi
đằng sau ông. Khi ông ngồi xuống, bà liền quỳ gối sờ xem hơi nóng của ấm
trà để trong bao dạ len.