Kensan của ông bà, lớn hơn Josui năm tuổi, không muốn rời bỏ Mỹ, sau
khi bị giam nhốt ở trại tập trung, chàng bị giết ở Ý.
Cái chết của con trai càng làm bác sĩ Sakai cương quyết trở về Nhật.
Khi chiến tranh kết thúc, ông vẫn sống cách biệt quân đội chiếm đóng
và các sĩ quan của họ. Được tiếng là một bác sĩ trứ danh, do Tây phương
đào tạo, nên địa vị của ông được bảo đảm. Những đồng bang của ông
không bỏ qua được.
Sau khi đi thăm bệnh nhân hàng ngày trong một bệnh viện lớn, tối tân,
ông trở về nhà, thay quần áo và tiếp tục biên soạn cuốn sách của ông về các
bệnh thiếu sinh tố mà ông đã sưu tầm được rất nhiều tài liệu từ ngày trở về
xứ sở.
Bác sĩ Sakai lau chùi cẩn thận chiếc bút máy, sự nhượng bộ độc nhất
mà ông chấp nhận từ nay về sau, đối với nền văn minh Mỹ. Và nữa, đó có
phải là một sự nhượng bộ không, vì chính những đồng bang của ông cũng
đã thay đổi chiếc bút lông cổ truyền để dùng bút máy hay bút chì.
Đứng trên ngưỡng cửa, ông ngắm khu vườn với niềm vui thanh khiết,
đúng hơn gần như thanh khiết. Dễ xúc động, ông không thể không tìm
những lá khô, rơi hôm qua, hoặc những tổ kiến đùn lên ban đêm, có thể làm
mất vẻ đẹp hoàn toàn của khu vườn. Nhắm mắt lại, ông trầm ngâm một
chút và lẩm nhẩm đọc những đoạn kinh điển Ấn Độ. Ông mở mắt ra và
nhìn khu vườn với vẻ khác lạ, thửa vườn chan hòa ánh sáng, cảnh này ông
vẫn ưa thích ngắm.
Suy tưởng đối với ông như là một nghệ thuật khó khăn. Ông lớn lên
trong cảnh náo nhiệt của phố phường thành phố Los Angeles, ở đấy, ông
bán rau và hoa quả của cha mẹ trông trong một khoảng đất nhỏ ở vùng
ngoại ô. Ông kiếm ăn để qua mấy năm ở Đại học và được học bổng liên
tiếp, nhờ vậy ông đã học xong Y khoa Đại học đường. Lúc trở về Nhật, ông
phải tập suy tưởng, như người ta học một môn âm nhạc, chẳng hạn như tập
ống tiêu năm lỗ, mà ông thường thổi buổi tối.