Chiến tranh kết thúc, ông còn một mối băn khoăn: cô con gái Josui
của ông. Lúc ở Mỹ đi, nàng mới là cô gái mười lăm tuổi. Tính vâng lời vốn
không phải là bản chất của nàng, chỉ có sự giao động và mối lo sợ đã buộc
nàng phải theo cha mẹ. Nàng bối rối thấy các bạn gái Mỹ, thường ngày khả
ái, thân mật, ngày trước ngày sau đã trở thành thù hận. Mối oán hận làm nét
mặt của họ xấu xí và biến đổi nụ cười của các bạn nàng ra nét nhăn nhó.
Kinh hoàng, nàng than phiền với người bạn thân nhất, Polly Andrews:
— Nhưng Polly, em có thay đổi đâu! Em vẫn như xưa!
— Không – Polly bẻ lại – chị là người Nhật và tôi khinh chị lắm.
Josui không nói gì. Nàng không trở lại trường. Một vài ngày sau, khi
cha mẹ nàng xuống tàu, nàng đi theo, lòng chán nản, nàng chưa quen tiếp
nhận nước Nhật được. Từ ngày đó, lòng nàng hoài nghi, nàng chỉ cảm thấy
an toàn khi sống dưới mái nhà cha mẹ, nhưng tương lai đối với nàng hóa ra
mập mờ.
Bác sĩ Sakai đoán ra tâm trạng con gái và cảm thấy băn khoăn nhiều.
Ông bà biết định đoạt về nàng ra sao, nay nàng đã hai mươi tuổi. Tất nhiên,
hôn lễ không thể để muộn màng hơn nữa, nhất là đối với một người thiếu
nữ xinh đẹp như thế. Nhưng hôn lễ nào?
Ông nấn ná ở lại trên ngưỡng cửa, rồi bỏ dép dừa ra để xỏ vào guốc,
ông đi theo con đường nhỏ dẫn đến bể nước và ngắm dòng thác. Không khí
chứa chan hương xuân. Mùa xuân năm nay có ảnh hưởng thế nào đối với
Josui. Năm trước, ông nhân thấy ở con gái mình sự nóng nảy, bồn chồn,
ông thấy dễ dàng vì ông đã từng nghiên cứu Tâm lý học. Ông biết chắc,
qua những cử chỉ dịu dàng, Josui ẩn giấu một tâm tình đam mê, vì vậy bác
sĩ Sakai kết luận cần phải sớm gả chồng cho nàng.
Ông nhìn đồng hồ đeo tay giấu dưới cánh tay áo Kimono rộng, Josui
về chậm. Nàng đi chơi đâu. Ông cau mày. Nếu trong mười lăm phút nữa,
nàng không về, ông sẽ không đợi nữa; trong bữa ăn, sự hiện diện của Josui
đối với ông là cần thiết, không phải ông có ý nuông chiều nàng vì ông
không tha thứ để người ta xáo trộn thứ tự trong nhà được.