Ông mở nắp hòm. Bên trong có ba đồ vật: một cuộn tranh, một phong
thư và một huy hiệu hình tròn. Ông Mạnh lấy từng món ra, đặt ra trên bàn
trà trước mặt David. Mở dây buộc cuộn tranh, David thấy hình vẽ của một
vị tướng quân, thân mang giáp trụ, ngồi trên lưng ngựa, uy phong lẫm lẫm.
Đường nét khuôn mặt có vài phần giống David. Đây có lẽ là hình của cụ tổ
nhà mình – David thầm nghĩ. Điều đặc biệt là bên dưới Hổ đầu quan là một
chiếc khăn màu trắng. Trông chẳng khác là bao với hình ảnh một vị tướng
người Hồi giáo thế kỷ 17. Bỏ cuộn tranh xuống, David nhìn sang vật thứ
hai. Đó là một phong thư làm bằng giấy gió, bên ngoài viết hai hàng chữ
Hán. Trước đây David cũng được cha dạy tiếng Hán nên có thể đọc được.
Thư đề “Đông Định Vương tôn tử lưu tâm”, bên cạnh là dòng chữ nhỏ hơn
“Tổ mẫu Trần thị lưu thư”. Đặt phong thư xuống, David cầm lấy huy hiệu
bên cạnh. Huy hiệu hình tròn, đường kính khoảng năm mươi phân, mặt sau
có bốn mấu nhỏ bị gãy, có lẽ trước đây huy hiệu được đính vào một vật gì
đó bằng vải, mặt trước có hình một con gà trống ở tư thế “kim kê độc lập”
David nghĩ thầm “Quái, mình từng xem nhiều gia huy, nếu vẽ hình cầm
điểu thì không phải chim phượng cũng là chim ưng hay một loài chim đẹp
đẽ nào đó. Ai lại dùng hình tượng của một con gà bao giờ. Có chăng cũng
chỉ có Quốc huy của nước Pháp, mà ấy là Quốc huy, không phải là gia huy
của một gia tộc, lại là tướng quân nữa. Không lẽ tướng quân lại xem mình
là con gà à?”.
Ông Mạnh nhìn thấy vẻ mặt kỳ quái của con chỉ mỉm cười.
- Con thấy lạ, tại sao huy hiệu lại vẽ con gà đúng không? Ngày xưa ba
cũng thế. Con được đọc sách lịch sử và truyện xưa nhiều. Con có nghĩ tới ai
có liên quan đến gà, sống vào khoảng 300 năm trước không? Đương nhiên
là người Việt.
- Để con nghĩ xem.
Ai nhỉ? David ngẫm nghĩ, cố lục lòi trong đầu kiến thức về các danh
tướng Việt. Bài “Hịch tướng sĩ” của Đức Thánh Trần Hưng Đạo có đoạn