Triều đình cũng không đứng ngoài sự lột xác này. Điều làm bá quan hân
hoan nhất có lẽ là không cần chầu triều mỗi sáng nữa. Toản cho xây dựng
trong thành những toà nhà lớn thuộc về sở hữu của mỗi Bộ. À, cũng phải
nói điều này nữa. Mật thám không còn là đặc hữu của nhà Nguyễn nữa.
Cùng với sự gợi ý của Toản, Bộ Chính trị quyết định thành lập một sở mật
thám chịu sự quản lý duy nhất của nhà vua và của Bộ với tên gọi Cơ quan
Phản gián Quốc gia và gọi tắt là CPQ. Người đứng đầu cơ quan, ngạc nhiên
chưa, là Đông Định Hầu Nguyễn Phi Long.
Với lợi thế là "đứa con trong bóng tối" của Nguyễn Lữ, anh hoàn toàn
qua mặt được quần thần nhà Nguyễn. Cùng với thiên phú thu thập tin tức
của mình cũng như muốn cảm ơn tri ngộ của Toản, anh một mình lặn lội
vào tận Gia Định và chiêu mộ nhân tài, thành lập một đường dây thám báo
hoạt động ngay trước mũi đối tượng mà không hề bại lộ. Hai trong những
chiến công vang dội của CPQ là cơ chế điều hành nông nghiệp của Nguyễn
Ánh và Công lịch.
Bộ Chính trị quyết định sử dụng ngay Công lịch thay thế cho lịch hiện
tại vốn dĩ quá rắc rối. Chính sách nông nghiệp cũng có nhiều thay đổi theo
hướng tiếp thu kinh nghiệm ở miền Nam.
Thay đổi lớn nhất có lẽ là chế độ làm việc sáu ngày, nghỉ một ngày. Bá
quan làm việc ở văn phòng Bộ mỗi ngày, chầu triều chỉ phải thực hiện vào
cuối tháng. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công
nghiệp, Bộ Thương Nghiệp do sự sát nhập và tách ra từ Bộ Công cùng Bộ
Lại. Bộ Binh cũng được tách ra thành Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh. Tiếp
nữa là sự tách ra của Bộ Lễ thành Bộ Văn hóa và Bộ Giáo dục với sự có
mặt của các trường học mở ra trên cả nước.
Vào một ngày cuối thu năm 1794, Ngài Bộ trưởng Bộ Chính trị Nguyễn
Văn Tuyết triệu tập buổi nghị sự bất thường với sự yêu cầu của Ngô Thì
Nhiệm.