- Chư vị khanh gia nói đúng lắm. Triều ta được các khanh cúc cung
phục vụ thì thật là phúc của bá tính. Lại nói, Đại Việt ta quyết không thể đi
vào vết xe đổ của Thanh triều. Các khanh thấy sắp tới chúng ta phải làm gì?
- Thần thấy, – Trần Văn Kỷ đứng dậy nói, – hiện tại, chúng ta đang có
mối quan hệ bang giao với Anh Cát Lợi. Điều này tốt nhưng cũng chưa tốt.
Bởi vì phương Tây không chỉ có Anh Cát Lợi. Chúng ta cần mở rộng bang
giao với tất cả các nước. Chúng ta phải chứng tỏ Đại Việt là mảnh đất lành,
chào đón thương nhân khắp nơi đến làm ăn. Làm như thế vừa có thể làm
dân giàu nước mạnh, lại còn có thể đề phòng nước Anh Cát Lợi trở giáo.
- Chưa hết, – Nguyễn Thiếp tiếp lời, – chúng ta cũng không thể chỉ ngồi
nhà mà mua bán. Những mặt hàng hiện cần mua, sau này chúng ta cũng
phải làm được. Không chỉ hàng hóa, mà cả những công cụ để làm ra hàng
hóa đó. Cách đây ít hôm, thần có nghe Thái tử Augustus kể lại, họ có
những chiếc máy gọi là máy dệt, một ngày có thể dệt được biết bao nhiêu là
vải mà tấm nào cũng có chất lượng như nhau.
Ông cúi xuống nhấp một hớp chè, lại tiếp:
- Để làm được những thứ này, cách tốt nhất là cho người của chúng ta
sang nước họ du học. Nhưng không phải chỉ một quốc gia. Nói đúng ra là
thế này. Nếu ai thích tàu thuyền thì đến Anh Cát Lợi, ai thích những máy
móc phức tạp như đồng hồ Tây Dương thì đến Phú Lang Sa, Phổ, Hà Lan.
Làm như thế vừa khéo cũng phù hợp với ý của Kỷ Đại nhân.
- Trẫm thật chưa nghĩ đến điều này. Cũng may có các khanh nhận ra.
Đoạn hướng về nhóm ba trăm, Toản nói:
- Các khanh là những người tài giỏi, có tư tưởng tiến bộ. Hai ngày nữa
các khanh sẽ được lên đường đến trời Tây du học. Hãy nhớ, các khanh
mang trên vai niềm kỳ vọng và tự hào của cả dân tộc, đừng làm Trẫm và
những người ở nhà thất vọng. Các khanh hiểu chưa?