- Bệ hạ, thần ngược lại, đồng ý với Đức đại nhân - người đứng ra là Ngô
Tòng Châu, một trong nhị thập tinh tú đất Gia Định khác. - Hạn chế giao
thương không có nghĩa là đoạn tuyệt quan hệ. Việc chúng ta đổi tên còn có
một cái lợi khác. Nếu sau này người Phú Lang Sa dây dưa với ta về Hiệp
ước Marseill khi xưa thì thế nào? Ta có thể nói đó là Đại Việt ký, chúng ta
có Quốc hiệu khác.
- Hừ, nhưng chữ ký trên bản Hiệp ước đó là của Bệ hạ, họ vịn vào đó
mà phản bác thì sao? - Định vẫn kiên trì.
- Nếu vậy thì ta nói với họ, ấy là Bệ hạ ký với vua Louis XVI, hãy nói
ông vua đó ra nói chuyện - Đức đáp.
- Không được, vậy há là ta có thể chịu tiếng xấu là kẻ chuyên nuốt lời
sao?
- Cũng chưa hẳn, Louis XVI là kẻ bị phế truất và treo cổ, tức là có tội
với người Phú Lang Sa.
Cuộc tranh cãi còn diễn ra gay gắt hơn. Trong suốt thời gian này, Gia
Long chỉ ngồi trên bệ rồng mà lắng nghe. Cuối cùng, ông ta lên tiếng:
- Được rồi, các Khanh ai cũng có lý do của mình hết. Và xem ra, chúng
đều rất hợp lý. Thật ra, ngay từ đầu Trẫm đã muốn đổi cái tên khác. Trẫm
muốn thoát khỏi hoàn toàn sự ảnh hưởng của người phương Bắc. Chư vị
Khanh gia ngẫm lại xem, Đại Việt nghe có giống như Đại Hán, Đại Đường,
Đại Minh, Đại Thanh hay không? Trẫm không muốn gọi là Đại Việt nữa,
như thế chẳng khác nào chúng ta là một phần của Trung Hoa. Nay ý Trẫm
thế này, đồng ý đổi Quốc hiệu nhưng phải có chữ Việt, đó là gốc gác của ta.
Các Khanh bàn xem ta nên lấy tên là gì?
Mọi người đến lúc này mới chịu thôi tranh cãi. Ai cũng nhăn mặt lại, ra
chiều suy nghĩ. Một lúc sau, Đức mới nói: