Bước vào nhà Nguyễn Thiếp, không cần ông lên tiếng, Toản đã sang
sảng:
- Thế nào? Hôm nay Phu tử có khỏe không?
- Nhờ ơn Bệ hạ, thần rất khỏe. Thần đã sai hạ nhân chuẩn bị ít món,
cung nghinh Thánh giá từ sớm.
- Không vội… không vội… Thật ra hôm nay Trẫm đến nhà Phu tử là có
việc muốn bàn. Chúng ta trước đến thư phòng nói chuyện.
Nói rồi, cậu cùng Nguyễn Thiếp đến thư phòng của ông. Đến nơi, cậu
cũng đưa cho ông hai mẫu giấy. Trên mỗi tờ chỉ ghi một dòng chữ ngắn,
một bằng chữ Nôm, một bằng chữ Quốc ngữ.
- Phu tử đọc được hai tờ này không?
- Tờ đầu là “Trời hôm nay rất sáng” bằng chữ Nôm, cái này không nói
làm gì. Còn tờ này lại viết bằng thứ chữ của mấy người truyền giáo, thần có
hiểu đôi chút, đại khái nội dung cũng như vậy nhưng có nhiều điểm rất
khác với thứ chữ kia.
- Không phải đại khái. Mà cả hai tờ có cùng một nội dung. Phu tử biết
thế nào về loại chữ viết này?
Nguyễn Thiếp trầm ngâm, chưa nói. Ông đứng lên, lấy ra một cuốn Tự
điển Việt – Bồ – La khác và một bản ghi là “Ký tự chữ Quốc ngữ chú giải”
và một bản tấu chương bìa xanh, đưa cho Toản.
- Thần thật ra đã có hai cuốn này rất lâu rồi, cũng có nghiên cứu. Thần
nhận thấy thật ra loại chữ viết này rất đơn giản, lại dễ học, ai cũng dùng
được. Trước, thần có soạn một bản tấu chương dự định bẩm báo Bệ hạ về
việc này. Thế nhưng gần đây, sự vụ trong triều làm thần không dứt ra được
nên quên khuấy đi.