“Oh my God! – Không ngờ việc dễ vậy sao?” Toản thầm mở cờ trong
bụng.
- Học sĩ không hổ là học sĩ. Phu tử quả là người chu đáo. Trẫm có ý
định phổ biến thứ chữ này trong toàn dân, ông thấy sao?
- Thật ra không chỉ có Bệ hạ có ý định này, trước đây cũng có người có
nhưng lại không kịp thực hiện.
- Sao? Còn có người khác nghĩ đến nó sao?
- Chính là Tiên đế. Sinh thời, Người trăn trở rất nhiều. Người nói: “Dân
ta nghìn năm qua bị người phương Bắc áp chế. Chữ viết cũng phải lệ thuộc
họ. Trẫm có ý định tách rời sự lệ thuộc này. Trẫm muốn dân ta có một thứ
chữ viết của riêng mình. Vừa hay, lúc đánh giặc Ánh ở thành Gia Định,
Trẫm có gặp một giáo sĩ tên là Bá Đa Lộc. Trẫm không thích ông ta. Nhưng
cái Trẫm chú ý là thứ chữ viết mà những người trong hội của ông ta biên
soạn gọi là ‘chữ Quốc ngữ’. Quả là hỗn xược, lại dám dùng từ Quốc ngữ để
ám chỉ loại chữ viết này. Tuy nhiên, ngẫm lại, Trẫm lại nghĩ biết đâu đây là
con đường Trẫm nên đi. Nay giao lại cho khanh nghiên cứu một phen”.
Dừng một lát, Thiếp tiếp:
- Thế sự đổi dời. Bệ hạ bận trăm công nghìn việc, chưa tiện suy nghĩ
thấu đáo. Ông trời lại trêu ngươi. Người ra đi quá sớm. Trước khi ra đi,
Người có căn dặn thần: “Thứ chữ viết này chưa được phổ biến là tiếc nuối
lớn nhất đời ta. Khanh hãy tiếp tục nghiên cứu đặng sau này phổ biến.
Nhưng đó chưa đúng thời cơ. Trước mắt khanh hãy biên soạn cho xong bộ
sách chú giải Hán – Nôm đã”.
- Trẫm nói thời cơ đến rồi, Phu tử có tin không?
- Bệ hạ là người rất thần kỳ trong mắt chúng quan, – Thiếp không ngần
ngại nói ra nhận xét của mình về Toản. – Thần tin là Bệ hạ đã có cách.