Cầm lấy hai tờ giấy, cha Y Nhã có hơi run rẩy. Phải nói, chữ Quốc Ngữ
lúc này còn rất nhiều phụ âm ghép như bl là tr, hay tl là ch, … Những “cải
tiến” của Toản lúc này thật sự như một cuộc “cách mạng” trong mắt ông.
- Cha thấy viết như vậy có đơn giản hơn không?
- Bệ hạ quả làm tôi rất ngạc nhiên. Tạ ơn Chúa đã mang Ngài đến đây.
- Con có ý định phổ biến loại chữ viết này. Cha và các Giáo dân có làm
được không?
- Được chứ, thế nhưng rất khó. Trước giờ, chữ viết này, à, chúng tôi gọi
là chữ Quốc Ngữ, chỉ được lưu truyền trong nội bộ.
- Cha không cần phải lo nhiều. Các vị chỉ cần mở lớp dạy chữ thôi, phần
còn lại cứ để triều ta lo liệu. Thời gian không còn nhiều, con để lại đây
bảng chữ cái đã cải tiến, cha cứ nghiên cứu kỹ. Đến lúc con phải đi rồi.
- Vâng. Bệ hạ lên đường bằng an.
- À, còn việc này nữa. Cuốn Tự điển đó. Các cha hãy biên soạn lại đi,
nhưng nếu được, các cha hãy thêm vào một thứ tiếng nữa, tiếng Anh. Sẽ có
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp giúp các cha. Có điều, trong nhóm biên
soạn, phải đề tên ông ta vào.
- Đó là lẽ dĩ nhiên. Bệ hạ đi thong thả.
Ra khỏi khu vực nhà thờ, Toản rảo bước đến Phủ học sĩ của Nguyễn
Thiếp. Trong lòng cậu thoáng vui vẻ, “vậy là xong một bước để phổ biến
chữ Quốc ngữ rồi, bước tiếp theo sẽ khó hơn đôi chút, thuyết phục Nguyễn
Thiếp”. Tiếc nuối duy nhất lúc này là cậu không tìm được một vị linh mục
người Anh Cát Lợi nào. Bởi lẽ, người Anh lúc này đã tách ra khỏi Giáo hội
La Mã mà thành lập Anh giáo, phải đến hơn một trăm năm sau mới có sự
xuất hiện của một Mục sư.