đời còn lại và hy vọng về một cái chết yên bình. Khám phá này khiến anh
bải hoải.
Vứt bỏ các công việc say mê, Vinh kiếm một học bổng ngắn hạn. Anh
sống ở tầng hầm ngôi nhà cổ giữa New York. Ngoài giờ học, anh chỉ đi
lang thang, mua sách và xem tất cả các triển lãm thiết kế. Chưa bao giờ anh
cô độc đến thế. Vài lần tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, anh nhận ra mình ngập
chìm trong sợ hãi. Một buổi sáng nhiệt độ xuống dưới không, đờ đẫn nhìn
bản đồ treo tường và chiếc vali sờn góc chỉ chi chít logo hàng không, Vinh
quyết định trở về Việt Nam.
Ở tuổi ba hai, xuất hiện trong anh nhu cầu về một nơi chốn riêng biệt.
Người quen giới thiệu cho Vinh căn hộ tầng năm của ngôi nhà xây từ thời
thuộc địa, cách văn phòng tư vấn anh làm việc mươi phút đi bộ, giá tiền rất
vừa phải. Trái ngược với sự náo nhiệt các đại lộ trung tâm, tòa nhà nhúng
trong không khí vĩnh viễn mùa thu. Phiền toái duy nhất là anh vẫn phải ở
chung với chủ căn hộ, một bà cụ ngoài bảy mươi hoặc hơn thế, có đôi mắt
trong veo nổi bật trên gương mặt đầy nếp nhăn. Bà ta sống một mình gần
ba mươi năm. Gần đây, linh cảm về cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào
khiến bà cụ cần ai đó sống cùng. Bà quyết định bán căn hộ với giá rẻ mạt,
với duy nhất điều kiện kẻ mua căn hộ phải để bà ở lại trong một phòng nhỏ
cánh trái căn hộ. Khi nào bà ta chết, căn hộ hoàn toàn thuộc về người mua.
Khi nói ra những điều kiện ấy, đôi mắt bà cụ chiếu thẳng vào Vinh, với
vẻ thăm dò nhạo báng. Anh dễ dàng đồng ý. Kinh nghiệm dạy anh rằng
phiền toái đến từ các vấn đề bên trong bản thân, chứ không dính líu tới kẻ
khác.
Sau khi thanh toán bằng tiền mặt, Vinh dọn về căn hộ. Bà cụ ở yên bên
cánh trái, chỉ ra ngoài lúc anh đã đi đâu đó. Nhiều khi suốt tuần, họ không
chạm mặt. Tiếng chân bước vẳng sang cho Vinh biết bà cụ còn sống. Các
sáng chủ nhật, luôn là tiếng kim khí va chạm sắc nhọn. Sự tò mò thoáng
qua nhưng thói quen không xen vào cuộc sống kẻ khác giữ anh lại. Lâu