- Đừng sợ chú nhé. Tuy chú xấu xí, dữ tợn thế này, nhưng rất yêu trẻ con.
Thú thực rằng, từ nãy tôi chưa có chút cảm tình gì với ông khách mà mặt
mũi thân hình như con cú vọ đó. Sự giữ gìn quần áo, mà chỉ là bộ tây may
bằng thứ dạ cà tèng đã vá víu nhiều chỗ, khiến tôi dẫu bé nhưng cũng ranh
mãnh nghĩ rằng đó là một người keo kiệt, khó tính khó nết. Thì vẫn vậy!
Trẻ con vốn giống lũ chó mèo và bọn đày tớ trong nhà, chỉ quen xét người
bằng cái mẽ bề ngoài. Thế mà bây giờ chú âu yếm tôi như âu yếm một con
mèo, và nhấc tôi lên đùi như cầm một cái lông chim. Chú gầy lẳng khẳng
thế mà khỏe gớm!
Chú vuốt đầu tôi, nói nho nhỏ như nói với ai:
- Tóc đen óng như lụa… Ta rất thích vuốt tóc trẻ… Như thế để nhớ lại
ngày nào… Ta có…, à, ta có biết một đứa trẻ tóc đen óng như tóc cháu -
bỗng chú vỗ mạnh vai tôi - Cháu có biết nó không nhỉ? - giọng chú run run
- Không, cháu chưa thấy nó lần nào. Trước kia ta vẫn ẵm đứa trẻ ấy lên đùi
như thế này… Ta kể chuyện cổ tích cho nó nghe… Ồ, thằng bé hay cười
quá, chuyện gì cũng làm cho nó cười như nắc nẻ. Đến tận bây giờ, trong tai
ta lúc nào cũng còn văng vẳng cái tiếng cười giòn giã, trong trẻo của nó. Úi
chao, thế mà… tội nghiệp.
Chú nhìn đăm đăm vào những hòn than hồng đang vạc dần trong chiếc
hỏa lò đặt dưới chân để sưởi ấm. Một phút lặng lẽ. Tiếng sóng ì ầm và tiếng
thông reo rì rào đằng xa vẳng lại. Một giọt nước nóng hôi hổi rơi xuống bàn
tay tôi. "Chú Hai khóc. Tại làm sao thế?". Tôi nghĩ vậy, và chỉ một mình tôi
biết. Vừa lúc ấy thày ở trên gác xuống, tay cầm cây đèn:
- Thôi, mời chú lên gác nghỉ. Chú đi đường xa hẳn mệt. Tôi đã bảo dọn
chú một buồng.
Chú Hai ngẩng lên cười, cảm ơn sự săn sóc của thày mẹ tôi, rồi lên gác.
Tiếng giầy chú bước nặng nề trên những bậc thang cũ mọt, kêu cót két.