Tôi vỗ tay, rất hoan nghênh cái tên sang trọng ấy, mặc dầu tôi chưa được
biết Khả Tị tiên sinh trong truyện ấy thế nào.
Sáng hôm nay, một buổi sáng đẹp trời, Khả Tị mặc bộ áo quần mới nửa
xanh nửa đỏ và đội mũ mão xong xuôi hình như rất lấy làm bằng lòng vẻ
lịch sự của mình, nó đứng thẳng lên, nhăn nhở và lại kêu khẹc khẹc.
Chị Châu bàn:
- Nom bộ công tử như thế mà lại bị nhốt vào lồng thì buồn quá. Em dắt
nó đi chơi một tí cũng hay.
Tôi lại vỗ tay hoan nghênh ý kiến ấy. Tôi lấy một sợi dây buộc vào cổ
tiên sinh, dắt tiên sinh xuống nhà để giới thiệu với mẹ tôi. Lần đầu được
bước ra ánh sáng, tiên sinh đi chập choạng, ngơ ngác nhìn tứ phía, nhìn cái
cầu thang, rồi cẩn thận bước từng bậc một. Mẹ tôi, chú Hai và lão Bồng
thấy vậy đều cười ran nhà. Khả Tị càng ngơ ngác, nhảy lên vai tôi, nép đầu
vào cổ tôi như sợ sệt, như cầu ở tôi sự che chở vậy.
Kể từ hôm ấy Khả Tị được tự do, từ biệt cái lồng rộng rãi dành cho nó
ngày măng sữa, nhưng rất hẹp cho nó lúc này đã lớn khôn rồi. Nó tung
hoành khắp vườn, dưới nhà, trên gác. Tôi không lo nó về núi về rừng mất,
vì tôi xem ý nó không ra quá ngõ bao giờ. Người và cảnh ở đây đã cùng nó
thân thuộc quyến luyến rồi.
Khả Tị không ưa sữa nữa, nó thích ăn cơm và ngồi cùng tôi một mâm
cơm rất lễ phép, khiến ai cũng bằng lòng. Ngoài cái thú ăn sim, nó còn
thích ăn lạc rang, hạt dẻ, mà lại biết cắn bỏ vỏ rất nhanh, người không sao
theo kịp. Tối tối, nó lên gác ngủ với tôi, nằm gọn dưới chân tôi cho đến
sáng. Trừ những buổi tôi đi học, còn tôi đi đâu nó cũng theo sát từng bước.
Tôi để nó ngồi lên vai, nó khẽ cắn vai tôi một cách đùa nghịch thân ái;
nhưng khách lạ đến chơi mà mó vào nó thì những cái móng rất nhọn kia sẽ
làm thủng bàn tay khách tức thì.