như thế. Một lần mẹ tôi thấy lá bánh ngoài cửa sổ, hỏi tôi. Tôi nói thực, tuy
nó đã dặn mãi rằng đừng nói với ai. Mẹ tôi chờ nó ở bến về, gọi lên nhà
đưa tiền trả. Nó nhất định không lấy, thưa rằng:
- Con biếu cậu, con không dám nhận tiền đâu.
Tôi nhớ nhất cái trò nó làm cho tôi phải cười những lúc tôi bị mắng hay
là lo đến trường không thuộc bài thi. Hễ ở bến về, nó chạy ngay lên với tôi.
Nó co một chân lại, nhảy lò cò quanh các cột nhà, miệng dẩu ra huýt sáo,
hai bàn tay đập vào nhau theo nhịp cái câu nó hát đi hát lại:
Con cò bay lả, lả bay la, bay ra... bay ra Phố Cát, bay về... bay về Đồng
Đăng.
Cô mình... có lấy... có lấy... ta chăng! ới cô mình ơi!
(Câu hát này, ngày nay đôi khi nhớ đến, hoặc nghe đứa trẻ nào hát đến,
tôi lại thấy thằng bé con đen đủi, gày loắt choắt và nhanh như con vượn ấy
hiện ra. Chẳng biết bây giờ nó đã làm gì. Lần nào đi qua các bến tàu, - bất
cứ ở đâu, ở Sài Gòn, ở Cao Miên, ở các con sông xa lạ tôi đã từng đặt vết
giầy, - tôi vẫn có ý tìm cái khuôn mặt quen quen đó, vì không hiểu tại sao,
tôi cứ muốn tin rằng trời sinh ra nó là chỉ để cho nó sống mãi trên các bến
tàu mà thôi... Thực vậy, tôi tin rằng nó đã là một kẻ giang hồ và có một
điều tin chắc hơn nữa là không bao giờ nó đói).
Mải với thằng bé con này, tôi bỏ xa Dị quá. Vậy tôi trở lại cùng người
bạn học con nhà giàu ấy. Tình bè bạn của chúng tôi, về sau này, thân thiết
hơn một chút, tại từ cái buổi sáng tôi đứng chờ anh ở gốc cây, anh thường
sang nhà tôi để rủ tôi đi chơi, đi học, chứ không được tôi sang nhà anh
trước. Sự thay đổi ấy có lẽ do cái thông minh của Dị đã có sẵn ngay trong
tuổi còn măng sữa đó chăng!
Tôi dong mấy con dê trắng lên chân thành cho ăn cỏ. Dị theo tôi và nhận
phần hai con để trông đỡ hộ. Chúng tôi hay ngồi bên cái giếng to đào dưới