- Ngoài bến có tàu bị đắm, không biết thằng Bống nhà tôi có làm sao
không.
Nói rồi, ông chạy biến ra ngoài bờ rào dâm bụt. Tôi ngồi trùm chăn run
bần bật, thấy hiện ra biết bao xác chết. Mẹ tôi cũng run bắn cả người, và bà
lẩm bẩm khấn Trời, cầu cho không ai chết, nhất là thằng Bống, bà cầu cho
nó đừng đáp thuyền ra bán hàng ở chiếc tàu bị nạn kia. Tôi cũng lo cho nó
lắm. Cái chết của nó, nếu xảy ra, sẽ khiến tôi đau buồn hơn cái chết của lão
già câm kia nhiều. Cả nhà tôi im lặng, lắng nghe tiếng kêu ngoài sông lúc
này càng vang rộn thêm lên. Bỗng có tiếng chân người chạy huỳnh huỵch
ngoài ngõ, rồi thằng Bống đẩy cửa chui vào. Tôi mừng quá nhảy xuống
giường ôm lấy nó. Nó hổn hển thuật cho thầy mẹ tôi nghe cái tai nạn vừa
xẩy ra: đó là chiếc tầu “Thông Vôi” ở Hải Phòng về.
Tầu đang lượn dần vào cặp bến thì hành khách tranh nhau lên trước đổ
xô về một mạn, nhân lúc sóng gió to, tầu chòng chành, nước ùa vào, rồi
nghiêng chìm xuống. May nó đi lấy bánh, chậm ra một chút thành ra thoát
chết. Mọi khi tầu sắp đến nơi mới rúc còi, nó đã đáp thuyền ra bán bánh
cho những hành khách đi suốt không lên bến.
Đến giờ đi học, Dị và tôi ra đường, thấy người ta vác trên vai những kẻ
bị nạn đắm tàu, hoặc chưa chết, hoặc chết rồi, tóc rũ ra, mặt nhợt như tờ
giấy. Trời ẩm giá và mù sa trắng xóa, những người sống và những người
chết ấy chạy vùn vụt trên đường để đến Nhà thương, nhà xác.
Chúng tôi sợ quá, đi lẩn sau các gốc cây. Qua Nhà thương, tôi ù té chạy.
Từ hôm ấy, cái Nhà thương kia đối với tôi là một thứ ghê rợn nhất. Muốn
trốn tránh nó, tôi phải tìm con đường khác xa gấp hai lần.
Một đêm, trời đen như mực, mẹ tôi thấy đau quặn bụng, bà đánh thức
thầy tôi dậy đưa bà đến nhà thương đẻ. Lúc qua nhà ngang, chỗ buồng tầm,
mẹ tôi còn soi đèn xem các nia tầm còn lá dâu không rồi mới ra đi. Đêm