ngồi ở đầu phố dưới mái hiên, hay dưới cột đèn mà đọc văn thơ của các
ông nhà báo. Đọc xong rồi thì tôi cũng thường làm ngay một bài vè (hay
bài thơ cũng thế) để đọc cho các bạn đồng nghiệp tý hon của tôi nghe.
Chúng đều phục lắm. Và cũng như những ông người lớn ở làng, chúng giục
tôi sao không gửi bài thơ ấy đăng báo, cho nó oai. Chuyện oanh liệt ấy, các
bạn kiên nhẫn đọc tôi sau này sẽ rõ. Bây giờ hãy xin trở lại với cái thằng
tôi, thằng Bờm lêu lổng, lười nhác, khốn nạn ngày ngày làm cho u nó đau
khổ khóc một mình.
Vâng vâng, mẹ tôi còn khóc bên bực cửa, bên đống rơm, trong xó bếp,
dưới cầu ao. Than ôi, người mẹ góa bụa nghèo khổ còn khóc nhiều vì thằng
con côi bất hiếu bất nghĩa này, rồi đến ốm mà chết mất.
Chiều hôm đó, chơi nghịch chán, mớ khoai sống đã tiêu hết rồi, thấy đói
quá, tôi mới mò về. U tôi đang nằm rên ở trong buồng. Tự nhiên tôi thấy
thương u tôi lắm. Nhưng đang đói, tôi cần tìm cái gì ăn đã. Trong chạn còn
một bát cơm trộn ngô, và đĩa tép rang mặn. Tôi ngấu nghiến. Ăn rồi, tôi ra
vại nước mưa uống một gáo đầy. Tôi vươn bụng, đứng tần ngần một lát.
Không biết nghĩ ngợi thế nào, tôi lại quay ra ngõ. Bỗng có tiếng u tôi gọi
giật ở trong buồng. Chờ u tôi gọi hai câu nữa, tôi mới vào. U đưa tay sờ
soạng đầu tôi, vì buồng tối lắm. Bàn tay rất nóng, quờ quạng lên má, lên cổ
tôi. Tôi ngập ngừng, khẽ hỏi:
- U sốt?
Tiếng u tôi khẽ ừ, chìm vào tiếng khóc nấc lên.
Lòng tôi xao động. Tôi không biết nói gì, chỉ biết đưa một ngón tay lên
mút. Gió rít ngoài vườn chuối sau nhà. Gió thổi phần phật vào những bức
câu đối vải trắng treo ngoài bàn thờ thầy tôi. Hình ảnh cái áo quan hạ từ từ
xuống vũng nước bùn, làm cho tôi nhớ đến sự tan nát của gia đình tôi, làm
cho tôi bắt đầu thương người mẹ ốm gầy đầu bịt khăn ngang trắng suốt
ngày đi gồng thuê gánh mướn để nuôi con, mà thằng con ấy thì suốt ngày