chơi bời lêu lổng, ăn vụng ăn trộm của dân làng để người ta đến tận cổng
mà chửi réo.
Bàn tay nóng hổi kéo áo tôi, bảo ngồi xuống cạnh giường. U tôi thổn
thức:
- Bờm ơi...
Tôi không biết nói sao, im lặng. Nước mắt trào ra lúc nào không rõ, tôi
gục vào ngực u tôi mà nức nở:
- U ơi, u ơi!
Hai mẹ con khóc trong bóng tối. Khóc một lúc rồi tôi vùng chạy ra khỏi
buồng, vùng chạy ra ngoài xóm. Sắp đến nhà cụ Chánh tổng, tôi dừng lại,
nấp vào bụi cây. Trống ngực tôi đập mạnh. Tôi nhớ lại lời u tôi nói sáng
nay: “Con bỏ nhà người ta lỏn về với mẹ, nhỡ người ta vu cho ăn cắp cái gì
thì khổ cả mẹ lẫn con...”
Cái mặt hung ác của cụ Chánh tổng hiện ra doạ nạt tôi, đáng sợ như ông
Ba-Bị, nếu thực có ông Ba-Bị. Tôi muốn trở về với u tôi. Nhưng u tôi đang
ốm, ốm vì không dạy được tôi, không khuyên được tôi trở về hầu hạ, chăn
trâu cắt cỏ cho cụ Chánh.
Vì làm ma thầy tôi, u tôi mắc nợ cụ Chánh một món tiền. Không trả
được, chỉ còn cách bắt tôi sang bên cụ làm nô lệ. Tôi đã ở được năm sáu
tháng. Năm sáu tháng nếm đủ nỗi nhọc nhằn: cơm thừa và roi vọt. Trong
khi ấy, mẹ tôi đi gồng đi gánh cho người ta. Hai mẹ con mỗi ngày gặp nhau
một lần. Ấy là vào buổi chiều, ở chợ về, thể nào u tôi cũng mua cho tôi
nắm bỏng mật, thứ quà tôi thích nhất. Gặp nhau có nói được gì đâu. Tôi
đứng bên trong cổng gạch nhà cụ Chánh, u tôi đi qua rón gót cho chó nhà
cụ Chánh khỏi sủa, rồi vội vàng ném gói quà vào. Tôi đỡ lấy. Bao giờ cái
bóng gày còm của u tôi đi khuất, tôi mới len lén vào phía sau ao, nấp vào
một bụi cây mà ăn.