Than ôi, mẹ tôi chỉ dám cầu trời thương cho đủ no đủ ấm thôi, chứ
không bao giờ mong có ruộng cả ao liền, nhà ngói, sân gạch như cụ Chánh.
Sự ước mong của mẹ tôi thật là tầm thường, bé nhỏ, biết rằng sau này tôi có
thể cho mẹ tôi vui mừng với cái cảnh đủ no, đủ ấm đó không? Tôi cứ tẩn
mẩn tính rằng u tôi cố lắm cũng chỉ nuốt được hai bát cơm gạo hẩm. Mặc
thì vài ba mảnh áo vải nhuộm bùn dày như khố tải mo nang. Cuộc đời của u
tôi, của hầu hết những người nhà quê chỉ cầu có thế thôi, vậy mà họ vẫn
gày mòn vì đói rét!
Thấm thoắt qua hai năm ở nhà cụ Chánh.
Tôi đã được cụ tha cho về, vì đã trừ hết nợ, một lẽ nữa là cụ kêu nuôi tôi
tốn gạo, tuy rằng tôi có tham cũng không nuốt hết những cơm thừa cơm vãi
mà cụ chỉ dùng cho chó, cho gà.
Cái ngày được bước qua cái cổng gạch nhà cụ, tôi sung sướng như con
chó tự nhiên tuột xích.
Mẹ con tôi lại đùm bọc lấy nhau. Bữa khoai, bữa cháo. Tôi không đi lêu
lổng nữa. Tôi tập gánh đỡ u tôi. Tôi thổi cơm, trồng rau, nhổ cỏ. U tôi từ độ
có tôi giúp, cũng đã được đôi lúc ngồi mà hưởng sự an nhàn.
Đời tôi, một buổi sớm nọ đã sáng ra một chút. Một người đàn ông mặc
áo sơ mi xanh cộc tay, quần tây vàng, đi giầy tây trắng, đã đến nhà tôi,
khiến tôi hốt hoảng. Mẹ tôi lúc ấy đang ngồi ngoài thềm vá áo, ngước lên
dụi mắt, rồi lên tiếng:
- Anh Bếp đấy à? Anh ở Hà Nội về bao giờ thế?
Người đàn ông gọi u tôi là cô, và vẫy tôi lại, xoa đầu tôi, gọi tôi là em,
rất thân mật. Tôi hết sợ, xán lại gần người lạ mặt ăn mặc sang trọng mà tôi
được hân hạnh gọi là anh, anh Bếp.